Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup, và phu nhân mới đây công bố thành lập Quỹ VinFuture sẽ trao các giải thưởng hàng năm có tổng giá trị lên tới 104,5 tỉ đồng (4,5 triệu đô la) trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, các báo trong nước loan tin.
Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VTC và các báo dẫn lại thông tin từ Vingroup cho biết giải VinFuture sẽ tôn vinh các tác giả của các nghiên cứu, phát minh, sáng chế đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại, tập trung vào các vấn đề cải thiện sức khỏe và chất lượng sống, xóa đói nghèo, giúp mọi người hưởng nền giáo dục tiến bộ, nước sạch, năng lượng tái tạo, bình đẳng, công bằng, sản xuất và thương mại có trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Nó làm cho vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tốt hơn. Người ta nghĩ Việt Nam cũng bắt đầu giàu có rồi, chứ không phải là luôn vác rổ vác rá đi xin các nước nữa, cũng có những người giàu có thể đưa ra những vấn đề lớn trên thế giới.Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giải được trao cho những tác giả xuất sắc không phân biệt quốc gia, giới tính và lứa tuổi, tin cho hay.
Với tổng giá trị các giải thưởng lên đến 4,5 triệu đô la, trong đó, giải thưởng chính mang tên VinFuture Grand Prize là 3 triệu đô la (70 tỉ đồng), đây là một trong những giải thưởng khoa học, công nghệ quy mô toàn cầu có giá trị lớn nhất cho đến nay, theo bản tin hôm 22/12 của Thanh Niên.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, nói với VOA ông hoan nghênh và ủng hộ việc chủ tịch tập đoàn Vingroup lập ra quỹ giải thưởng nêu trên.
Theo giáo sư Võ, việc làm này không chỉ nâng tầm cho cá nhân ông Phạm Nhật Vượng là một doanh nhân giàu với tầm nhìn dài hạn, mà còn thúc đẩy hình ảnh tích cực về tập đoàn Vingroup. Hơn thế nữa, điều này cũng tạo hình ảnh tốt về Việt Nam. Ông Võ giải thích:
“Vin nói rằng đây là giải thưởng quốc tế chứ không phải là cho riêng người Việt Nam. Nó làm cho vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tốt hơn. Người ta nghĩ Việt Nam cũng bắt đầu giàu có rồi, chứ không phải là luôn vác rổ vác rá đi xin các nước nữa, cũng có những người giàu có thể đưa ra những vấn đề lớn trên thế giới. Phải là người có tiềm lực kinh tế mới làm được việc này”.
Báo chí trong nước, trong đó có Dân Trí, hồi cuối tháng 11 đưa tin ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam với tổng tài sản có giá trị hơn 202 nghìn tỉ đồng, tương đương 8,6 tỉ đô la.
Hồi tháng 10, khi tài sản của chủ tịch tập đoàn Vingroup được định giá đạt 6,8 tỉ đô la, ông Vượng đứng ở vị trí 322 trong số 500 người giàu nhất thế giới, theo một danh sách do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố.
Trong khi đó, trên bình diện cả nước, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2019 với tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người ở mức 2.540 đô la, được Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế 2020 của Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách “các nền kinh tế đang phát triển”.
Một số chuyên gia kinh tế mà VOA tham khảo ý kiến ước tính rằng nếu Việt Nam duy trì tăng trưởng hàng năm ở mức 7%, con số kể trên sẽ cải thiện nhiều.
Theo đó, đến năm 2035, GNI đầu người của Việt Nam có thể đạt 7.500 đô la, và 10.500 đô la vào năm 2040, thuộc nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao.
... thể chế của Việt Nam không tạo điều kiện để thứ nhất là nhà khoa học sống được, thứ hai là nhà khoa học cũng không được trọng dụng mấy. Thế chế như hiện nay chưa đủ điều kiện để phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.Giáo sư Đặng Hùng Võ
Bày tỏ hy vọng sẽ có ngày một số cá nhân hoặc tập thể các nhà khoa học Việt Nam “chen chân” vào và được trao giải thưởng từ quỹ VinFuture, song giáo sư Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng ông không nghĩ giải thưởng này có thể làm thay đổi vị thế nền khoa học, công nghệ Việt Nam. Ông lý giải:
“Hình hài nền khoa học, công nghệ của một nước là bắt đầu từ cái thể chế phát triển khoa học, công nghệ của nước đó. Nhiều người bạn ở các nước phát triển đánh giá người Việt Nam rất sáng tạo, tư duy rất tốt, có năng lực…, tôi nghĩ họ không nói quá. Thế nhưng chỉ có điều thể chế của Việt Nam không tạo điều kiện để thứ nhất là nhà khoa học sống được, thứ hai là nhà khoa học cũng không được trọng dụng mấy. Thế chế như hiện nay chưa đủ điều kiện để phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam”.
Chỉ vài ngày trước, nhiều báo trong đó có Dân Trí, Thanh Niên, Lao Động đưa tin nhà khoa học Hồ Thị Hương, 29 tuổi, là tác giả chính và đồng tác giả của nhiều công bố khoa học uy tín tầm cỡ quốc tế, nhưng chỉ được trả mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Nữ nghiên cứu sinh đang công tác tại Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, đã bật khóc khi nói chuyện với phóng viên về việc chị lựa chọn cống hiến cho khoa học nhưng không đủ tài chính báo hiếu cha mẹ, các báo tường thuật lại.
Một bài bình luận hôm 18/12 của báo Lao Động về trường hợp chị Hương có đoạn: “Một nhà khoa học, chưa bằng lương ‘osin’ và thua xa lương thợ hồ. Chất xám sao mà rẻ mạt quá. Cám cảnh quá … Mức lương 3 triệu phải được xem là nỗi xấu hổ”.
Vẫn bài báo của Lao Động còn dẫn lại lời của nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân để chỉ ra rằng cơ chế tài chính của nhà nước Việt Nam dành cho nghiên cứu khoa học bao năm qua vẫn “chặt chẽ, cứng nhắc trong vấn đề thủ tục, hóa đơn, chứng từ” nhưng không hề giúp tiết kiệm ngân sách mà “chỉ khiến nhà khoa học buộc phải nói dối”.
Vì vậy, dưới góc nhìn của cựu thứ trưởng có bằng tiến sĩ khoa học ở Ba Lan và từng giảng dạy cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam, giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng giải thưởng của Vingroup có thể tác động đến một góc “không lớn lắm” trong nền khoa học, công nghệ Việt Nam, còn để lĩnh vực này phát triển, đó là “câu chuyện lớn hơn, cần những đổi mới mạnh mẽ hơn ở những phạm vi quan trọng hơn”.
“Giải VinFuture thể hiện tư duy và tầm nhìn xa hơn của Vin, trong đó có lợi ích của Vin, lợi ích của Việt Nam, chứ đây không thể là một chính sách hay một giải pháp để phát triển khoa học, công nghệ của Việt Nam được”, giáo sư Võ nói với VOA.