Gia đình, các học giả, đồng nghiệp và bạn bè thương tiếc sự ra đi của giáo sư Ngô Vĩnh Long (1944-2022), nhà giáo dục, học giả xuất sắc của Việt Nam hiện đại, đồng thời là một chuyên gia thường xuyên đóng góp bình luận cho đài VOA.
Khoa Sử trường Đại học Maine, Hoa Kỳ, bày tỏ sự đau buồn trong một thông báo trên web rằng giáo sư Ngô Vĩnh Long, “người bạn, đồng nghiệp” của khoa vừa qua đời.
Giáo sư, tiến sĩ Stephen Miller, Chủ nhiệm khoa Sử của trường Đại học Maine, nơi giáo sư Ngô Vĩnh Long công tác trong hơn 37 năm qua, viết trong email gửi VOA hôm 13/10, bày tỏ niềm thương tiếc vừa mất đi một đồng nghiệp: “GS. Long là một học giả, một giáo viên, một người cố vấn, một nhà thơ và một nhiếp ảnh gia phi thường. Nhưng trên hết, ông là một người cha, một người bạn và một người đồng nghiệp tuyệt vời”.
“Ông ấy rất tâm huyết với việc nghiên cứu lịch sử của người dân Việt Nam và vùng đất của họ và muốn góp tiếng nói cho những người không thể lên tiếng hoặc chọn không nói về chính mình”, GS. Miller nhận định.
“Ông đã làm việc không mệt mỏi, cố gắng thu thập và sắp xếp những ký ức về cuộc xung đột Việt-Mỹ. Mọi người ở Đại học Maine và trong cộng đồng sẽ nhớ ông rất nhiều”, Chủ nhiệm khoa Miller chia sẻ suy nghĩ của mình.
Nhà sử học quê ở Vĩnh Long từ trần sáng ngày 12/10 tại bệnh viện Bangor, bang Maine, sau một thời gian dài bạo bệnh, thọ 78 tuổi, theo trang Diễn Đàn.
Bà Ngô Thái-Anh, em gái của GS. Ngô Vĩnh Long viết trên Facebook: “Xin cảm tạ tình thương của tất cả những người thân, quen của anh qua Facebook này. Cảm tạ chân tình của những người đã cùng anh chia sẻ những vui, buồn, qua những bài viết, những bức hình chụp trong những năm, tháng qua. Anh đã chọn sự ra đi nhanh, gọn, không phiền hà, không rườm rà”.
Tiến sĩ Giang Công Thế, một chuyên gia thâm niên của Ngân hàng Thế giới (WB), từng làm việc ở Hoa Kỳ, viết trên Facebook: “Chàng trai Ngô Vĩnh Long có đủ tính cách ba miền nổi tiếng gan ngạnh từ hồi trẻ, có tri thức đầy mình của sỹ phu Bắc Kỳ, cách dấn thân liều lĩnh của người Nam Bộ và rất biết chịu khổ của người miền Trung”.
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, bày tỏ niềm thương tiếc trên Facebook khi hay tin GS. Long đột ngột qua đời: “Ông là người rất nho nhã, hiền hậu và rất vì khoa học... Ông là đại diện cho một thế hệ trí thức Việt Nam yêu nước chân chính mà tiếng nói đòi hoà bình, công bằng, dân chủ đã vượt qua biên giới. Ông cũng là một nhà giáo, một nhà khoa học hết mình vì công việc, đã làm việc đến phút cuối của cuộc đời mình”.
Sinh năm 1944, ông Ngô Vĩnh Long tham gia phong trào sinh viên chống chính quyền Sài Gòn vào đầu những năm 1960 trước khi trúng tuyển học bổng năm 1964 để thực hiện nghiên cứu sinh tại Khoa Lịch sử Đông Á và Ngôn ngữ Viễn Đông của Đại học Harvard, theo tạp chí Journal of Vietnamese Studies (JVS) mà ông là một thành viên.
GS. Ngô Vĩnh Long lấy bằng Tiến sĩ từ Harvard năm 1978 và năm 1985 gia nhập Khoa Lịch sử tại Đại học Maine, nơi ông có một sự nghiệp lâu dài và hiệu quả với tư cách là một giáo viên và một học giả nghiên cứu về lịch sử - chính trị - ngoại giao Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ châu Á-Mỹ.
Trong số hàng trăm ấn phẩm của ông có chuyên khảo “Trước Cách mạng: Những người nông dân Việt Nam dưới thời Pháp” (MIT Press, 1973; Columbia UP 1991) và “Phụ nữ Việt Nam trong Xã hội và Cách mạng: Thời kỳ Thuộc địa của Pháp” (Cambridge: Trung tâm Nguồn lực Việt Nam, 1974).
Sau này trong sự nghiệp của mình, GS. Ngô Vĩnh Long đã phát triển một mối quan tâm nghiên cứu nghiêm túc về phát triển nông thôn ở Việt Nam đương đại.
Trong khi theo đuổi sự nghiệp thành công trong học viện Hoa Kỳ, ông vẫn cam kết xây dựng lại quê hương sau chiến tranh, vẫn theo trang JVS.
Là thành viên Fulbright đầu những năm 2000 của Hoa Kỳ, ông đã tham gia các khóa học tại các trường đại học Việt Nam về phát triển kinh tế và quan hệ đối ngoại ở Đông Á và Đông Nam Á.
Truyền thông Việt Nam cho biết sau chiến tranh 1975, GS. Ngô Vĩnh Long về Việt Nam nhiều lần, thực hiện nhiều chuyến điền dã và đóng góp nhiều ý kiến cho đất nước. Ông còn tham gia giảng dạy tại các trường đại học trong nước, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Diễn đàn