Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã đồng ý từ chức để thành lập chính phủ liên hiệp ngắn hạn, với nhiệm vụ chính là đạt tới một thỏa thuận về kế hoạch cứu nguy mới của Liên hiệp châu Âu.
Ông Papandreou, thuộc phe xã hội, hôm Chủ nhật đã họp với thủ lãnh đảng Tân Dân Chủ đối lập, ông Antonis Samaras. Chính phủ liên hiệp này sẽ cầm quyền cho đến khi tổ chức các cuộc bầu cử mới, có thể diễn ra sớm nhất là tháng Ba năm tới.
Tất cả mọi phía sẽ họp lại vào thứ Hai để quyết định xem ai sẽ lãnh đạo chính phủ liên hiệp mới. Nhưng người đó sẽ không phải là ông Papandreou. Người ta vẫn chưa rõ ông Papandreou sẽ có ra ứng cử vào năm tới hay không.
Mục tiêu của chính phủ lâm thời là vận động để quốc hội và nội các Hy Lạp chấp nhận những điều khoản của kế hoạch cứu nguy mới của Liên hiệp châu Âu. Kế hoạch này đòi hỏi chính phủ Hy Lạp phải gia tăng mức thuế và cắt giảm nhiều hơn nữa tiền hưu bổng và lương bổng của công chức.
Cuộc khủng hoảng chính trị Hy Lạp đã bột phát trong tuần qua với lời loan báo gây kinh ngạc do ông Papandreou đưa ra, với ý định đưa kế hoạch cứu nguy đã đạt được với Liên hiệp châu Âu ra trưng cầu dân ý cử tri Hy Lạp. Đề nghị này gây kinh ngạc cho Hy Lạp và khiến Liên hiệp châu Âu sửng sốt. Thủ tướng đã rút lại kế hoạch trưng cầu dân ý dưới áp lực của châu Âu cũng như của chính phủ của ông và quốc hội Hy Lạp.
Giới lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi Hy Lạp chấp thuận một kế hoạch cứu nguy mới và thực thi những điều khoản của kế hoạch cứu nguy sẵn có do Liên hiệp châu Âu và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế đề ra cho Hy Lạp hồi năm ngoái. Một số các lãnh đạo châu Âu cảnh báo Hy Lạp sẽ không được trợ giúp thêm nữa nếu không chịu thực thi nhhững biện pháp đã đề ra.
Bộ trưởng Tài chính Hy lạp Evangelos Venizelos từng nói Hy Lạp cần đến khoản giải ngân lần tới là 11 tỉ đô la trong kế hoạch cứu nguy hiện hữu, trễ nhất là tháng 12 để tránh tình trạng vỡ nợ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1