Thị trường chứng khoán tăng hôm thứ Hai, sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua những biện pháp khắc khổ mới. Việc cắt giảm chi tiêu là một trong những điều kiện Hy Lạp cần phải thực hiện để nhận thêm hơn 170 tỉ đô la tiền cứu nguy, nếu không Hy Lạp có nguy cơ không trả được nợ.
Đức, với nền kinh tế lớn nhất châu Âu thúc đẩy việc cắt giảm chi tiêu, dè dặt hoan nghênh cuộc biểu quyết của Quốc hội Hy Lạp vừa qua. Một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói cuộc biểu quyết này phản ánh những nỗ lực của Hy Lạp trong việc đưa nước này đi đúng đường.
Tuy nhiên việc thông qua không phải là không có nhiều đau đớn. Trong lúc các nhà lập pháp Hy Lạp biểu quyết hôm Chủ Nhật, những người biểu tình phẫn nộ đổ ra đường phố Athens và các thành phố khác, đập phá và cướp bóc các tòa nhà.
Bà Sarah Saidi, một cư dân Athens, đổ lỗi cho cảnh sát về những vụ bạo động xảy ra sau khi có những cuộc biểu tình ôn hòa chống lại những biện pháp tiết kiệm.
Bà Saidi nói: “Cảnh sát khởi đầu vấn đề này. Họ xông vào đám đông. Đám đông ôn hòa, di chuyển và cảnh sát bắt đầu bạo động nhưng dân chúng thật tuyệt vời.”
Ông Panos Tsakloglou, một nhà phân tích Hy Lạp nói chắc chắn dân chúng giận giữ trước những biện pháp thắt lưng buộc bụng ngiệt ngã hơn nữa.
Ông Tsakloglou nói:
“Tuy nhiên, tôi không nghĩ là những người gây bạo loạn này phản ánh tất cả những người biểu tình hầu hết là ôn hòa trong ngày hôm qua.”
Cuộc bỏ phiếu dường như mở đường cho các Bộ trưởng Tài chánh của EU chấp thuận một khoản vay mới cho Hy Lạp khi các bộ trưởng gặp nhau vào ngày thứ Tư. Tuy nhiên Đức cho biết là vẫn đang chờ một phúc trình của những thanh tra nợ nần quốc tế về việc Athens có hoàn tất tất cả những điều kiện để được nhận thêm tiền cứu nguy hay không.
Ngay cả khi khoản tiền này được giải ngân, vẫn có những quan ngại là Hy Lạp có thể rời khỏi khu vực đồng euro, khiến cho những nước thành viên khác gặp khó khăn kinh tế khác có thể noi theo.
Ông Steven Ekovich là một giáo sư về khoa học chính trị tại trường đại học American University tại Paris nói:
“Một tình trạng cùng cực nhất là Hy Lạp hoàn toàn sụp đổ và thất bại—lâm vào tình cảnh nợ nần, hỗn loạn vì nợ. Và dĩ nhiên điều đó sẽ làm phát sinh những bất ổn xã hội. Hay là, tôi giả dụ như đây là hệ quả mong muốn, là châu Âu sẽ giải cứu Hy Lạp nhưng với những điều kiện mà chính phủ Hy Lạp và đặc biệt người dân Hy Lạp thấy không thể nào chấp nhận được.”
Những biện pháp tiết kiệm mới nhất tiếp theo một loạt biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu đã đẩy mạnh thất nghiệp và khó khăn tại Hy Lạp, hiện đang trong năm suy thoái thứ năm.
Hy Lạp có thể nhận được một khoản tiền kế tiếp từ quỹ cứu nguy của Liên hiệp châu Âu trong tuần này, sau khi Quốc hội nước này thông qua những biện pháp thắt lưng buộc mạnh hơn nữa. Tuy nhiên theo như tường trình của Thông tín viên Lisa Bryant từ Paris, trong khi Hy Lạp dẹp những vụ bạo loạn đông đảo người tham dự chống lại việc cắt giảm chi tiêu, tương lai tài chánh của Hy Lạp còn lâu mới ổn định.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1