Đường dẫn truy cập

Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố phúc trình về rủi ro toàn cầu


Ông John Drzik, Giám đốc văn phòng tư vấn Oliver Wyman, nói rằng tình trạng khí hậu biến đổi đang tạo ra bất ổn và thế giới cần họp lại để đối phó
Ông John Drzik, Giám đốc văn phòng tư vấn Oliver Wyman, nói rằng tình trạng khí hậu biến đổi đang tạo ra bất ổn và thế giới cần họp lại để đối phó

Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa công bố phúc trình nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã “làm khô cạn năng lực của thế giới” để đối phó với trường hợp rủi ro có vấn đề kinh tế nghiêm trọng nào khác.

Trong phúc trình về những rủi ro kinh tế toàn cầu năm nay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, WEF, cho rằng có 2 vấn đề quan trọng làm tăng thêm các rủi ro trên khắp thế giới. Nhà kinh tế Daniel Hoffman của tập đoàn tài chính Zurich, một trong những người soạn phúc trình, cho biết:

“Vấn đề thứ nhất là sự khác biệt kinh tế giữa các quốc gia, đặc biệt là trong nội bộ của các quốc gia, tăng trưởng kinh tế đã tạo ra quá nhiều người thất bại nhưng có quá ít người thành công. Khoảng cách giàu nghèo quá lớn có thể dẫn đến xáo trộn xã hội.”

Vấn đề thứ hai, theo ông Hoffman, là sự quản lý công quyền trên toàn cầu có vẻ yếu kém. Ông lấy ví dụ như khi bắt đầu có khủng hoảng tài chính, các quốc gia đều hợp tác với nhau để giải quyết, nhưng quyết tâm đó ngày càng yếu đi:

“Sau hai năm, chúng ta thấy quyết tâm đó từ từ tan biến và bây giờ dường như không còn sự phối hợp toàn cầu để giải quyết các nguyên nhân gây khủng hoảng đã tác động lớn cho tất cả mọi người từ hai năm qua.”

Phúc trình cảnh báo rồi đây chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và chia rẽ xã hội có thể nổi lên lại.

Phúc trình cũng nói đến các tủi ro khác như sự mất thăng bằng vĩ mô, nợ quốc gia, bất ổn tiền tệ, các loại hình kinh tế bất hợp pháp, tổ chức gây tội ác, tham nhũng, buôn bán trái phép. Tất cả những thứ đó gây sức ép lên các nguồn lực, nhất là lên nước uống, thực phẩm và năng lượng.

Ông John Drzik, Giám đốc văn phòng tư vấn Oliver Wyman cũng góp phần soạn phúc trình. Ông nói rằng hiện tượng khí hậu biến đổi đang tạo ra bất ổn và thế giới cần họp lại để đối phó với ảnh hưởng của nó. Ông lấy ví dụ:

“Mùa hè năm ngoái nước Nga cấm xuất khẩu lúa mì để bảo vệ nguồn lương thực của họ, nếu hành động này được nhiều nước bắt chước thì có thể dẫn đến thêm bất ổn và căng thẳng địa lý chính trị.”

Ông Drzik khuyên mọi người nên nghiên cứu phúc trình này để thấy rằng nếu không giải quyết, các rủi ro này có thể leo thang.

Phúc trình dài 50 trang phân tích các rủi ro toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới phổ biến hai tuần lễ trước khi tổ chức này có hội nghị thường niên tại thành phố Davos của Thụy Sĩ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG