Đường dẫn truy cập

Giới tranh đấu Ai Cập tìm cách xác định lại nền chính trị quốc gia


Cử tri Ai cập đi bỏ phiếu
Cử tri Ai cập đi bỏ phiếu
Trong lúc những người ủng hộ quân đội Ai Cập vui mừng trước chiến thắng của họ trước phong trào Huynh đệ Hồi giáo, những nhân vật tranh đấu thuộc giới trẻ ở đây cho biết cơ sở ủng hộ của họ bị co cụm và việc chống đối chính phủ mỗi ngày một trở nên nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, họ cũng hy vọng có thể xác định lại nền chính trị Ai Cập như một cuộc đấu tranh giữa hai thế lực dân chủ và phi dân chủ.

Đối với nhiều cử tri ở Ai Cập, cuộc bầu cử tuần này không phải là để bỏ phiếu ủng hộ cho bất kỳ một ứng cử viên nào.

Các cử tri về phe đối lập nói rằng không phải họ ủng hộ cho ông Hamdeen Sabahi khi họ không dồn phiếu cho ông Abdel Fattah al-Sissi, cựu tư lệnh quân đội đã nắm quyền cai trị đất nước trong gần một năm.

Những người ủng hộ ông Sissi nói rằng họ dồn phiếu cho ông Sissi chỉ để chống lại phe Huynh đệ Hồi giáo của ông Mohamed Morsi. Vị cựu tổng thống này bị lật đổ hồi năm ngoái và đang bị giam cầm nhưng vẫn nhất mực cho rằng ông là nhà lãnh đạo hợp pháp.

Tại một phòng phiếu ở Cairo, một phụ nữ tên Amel cho biết bà đi bỏ phiếu để cho ông Morsi không thể trở lại nắm quyền.

Bà Amel nói rằng cuộc bầu cử này xoa dịu những mối lo ngại là tình trạng rối loạn có thể tái diễn.

Từ khi ông Morsi bị lật đổ, sinh hoạt chính trị ở Ai Cập đã có tính chất bạo động nhiều hơn và hàng ngàn người đã bị giết hại hoặc bị giam cầm.

Ông Fekry Nabil, phát ngôn viên của Đảng Ai Cập Hùng cường, là đảng đang tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống, nói rằng những đảng phái như đảng ông cần phải xác định lại nền chính trị của đất nước. Ông nói:

"Chúng tôi nhận thấy có một sự phân cực vô cùng lớn trong xã hội, một sự phân hoá giữa phe Hồi giáo và phe phi Hồi giáo. Theo quan điểm của chúng tôi, đây không phải là trận chiến thật sự hay cuộc đấu tranh thực sự mà chúng tôi cần có. Chúng tôi cần có một cuộc đấu tranh giữa những người ủng hộ dân chủ với những người chống lại dân chủ."

Sau cuộc cách mạng năm 2011, nhiều đảng mới đã được thành lập, như Đảng Tự do Ai Cập, một đảng trung dung qui tụ nhiều người thuộc giới trẻ.

Tổng thư ký Đảng Tự do, ông Shahir George, cho biết sau khi ông Sissi lên nắm quyền, nhiều đảng viên của đảng ông đã bỏ trốn vì sợ bị trả đũa cho những hoạt động chống lại phe quân nhân. Ông nói:

"Thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt là làm thế nào để tranh thủ sự tin tưởng của công chúng một lần nữa, bởi vì đây là điều mà chúng tôi đang thiếu. Công chúng đang có xu hướng chống đối những vụ xuống đường. Đang có xu thế làm ngơ các vấn đề nhân quyền vào lúc này."

Tuy nhiên, những đảng mới -- những đảng không muốn đất nước nằm dưới sự cai trị của phe quân nhân hay của phe Hồi giáo, đang bị suy yếu vì những vụ đấu đá nội bộ. Ông Shahir George cho rằng điều quan trọng trước mắt đối với những đảng này là có được một lập trường rõ ràng, không phải chỉ chống lại áp bức mà còn phải đấu tranh cho nhân quyền. Ông nhận định:

"Bây giờ chúng tôi cần chú trọng nhiều hơn nữa vào việc làm thế nào để xây dựng một lực lượng đối lập vững vàng, một lực lượng có một tầm nhìn rõ ràng về các quyền kinh tế và xã hội và hội nhập các quyền đó vào các quyền chính trị và dân sự."

Tại các phòng phiếu, các cử tri cho biết họ muốn có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng các đảng mới đã thiếu kinh nghiệm lại còn bị phân hóa quá nhiều.

Tương lai của các đảng mới ở Ai Cập hiện không rõ ràng và các thành viên của những đảng này đã báo cáo những vụ bắt bớ tùy tiện và những vụ sách nhiễu. Họ nói rằng việc chống đối chính phủ hiện nay nếu không bị xem là ngu xuẩn thì bị cho là phạm pháp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG