Các nhà ngoại giao cho biết một ủy ban của Liên Hiệp Quốc nhóm họp hôm thứ Tư 1/12 và có ít khả năng là ủy ban sẽ cho phép Taliban ở Afghanistan hoặc tập đoàn quân sự ở Myanmar được làm đại diện cho hai quốc gia đó tại tổ chức của thế giới gồm 193 nước thành viên.
Các bên liên quan đã đưa ra những tuyên bố đối chọi nhau về ghế của hai nước ở LHQ. Cả Taliban lẫn tập đoàn quân sự ở Myanmar đều đòi bãi bỏ chức phận của hai vị đại sứ được bổ nhiệm bởi hai chính phủ mà họ đã lật đổ trong năm nay. Việc LHQ chấp nhận Taliban hoặc chính quyền của Myanmar sẽ là một bước tiến tới sự công nhận quốc tế mà cả hai tập đoàn cầm quyền đó đều mong muốn có được.
Một ủy ban về công nhận tư cách thành viên LHQ, gồm 9 nước trong đó có Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ nhóm họp tại trụ sở của LHQ để xem xét tư cách thành viên của tất cả 193 nước trong khóa họp hiện tại của Đại hội đồng LHQ.
Ủy ban có thể sẽ chưa đưa ra quyết định về các vị đại diện của Afghanistan và Myanmar, trên cơ sở cùng hiểu rằng hai vị đại sứ hiện tại của cả hai nước vẫn còn đang giữ ghế, 4 nhà ngoại giao nói với Reuters và đề nghị không nêu tên.
Ủy ban - cũng bao gồm các nước Bahamas, Bhutan, Chile, Namibia, Sierra Leone và Thụy Điển - sau đó sẽ gửi báo cáo về tư cách thành viên của tất cả các nước lên Đại hội đồng LHQ để thông qua trước cuối năm nay.
Theo các nhà ngoại giao, cả ủy ban và Đại hội đồng theo truyền thống đều đưa ra quyết định về tư cách thành viên trên nguyên tắc đồng thuận.
Taliban giành được quyền lực hồi giữa tháng 8 từ tay một chính phủ được quốc tế công nhận. Sau đó, Taliban đã đề cử phát ngôn viên của họ trú đóng tại Doha là Suhail Shaheen làm đại sứ của Afghanistan ở LHQ. Đại sứ tại LHQ hiện thời do chính phủ cũ bổ nhiệm, Ghulam Isaczai, cũng đã đề nghị vẫn được giữ ghế.
Tập đoàn quân sự Myanmar đã tiếm quyền từ tay chính phủ dân bầu của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2. Họ đã đề cử cựu quân nhân Aung Thurein làm đại sứ của họ tại LHQ.
Đại sứ đương nhiệm của Myanmar là Kyaw Moe Tun, do chính phủ của bà Suu Kyi bổ nhiệm, cũng đã đề nghị LHQ tiếp tục công nhận ông, cho dù ông là mục tiêu của một âm mưu ám sát hoặc gây thương tích vì ông phản đối cuộc đảo chính.
Cựu đặc phái viên LHQ về vấn đề Myanmar, người rời khỏi chức vụ vào tháng trước, cảnh báo rằng các quốc gia chớ công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự, còn Tổng Thư ký Guterres cam kết vào tháng 2 sẽ vận động sức ép "để đảm bảo rằng cuộc đảo chính bị thất bại".