(SCMP/Pen.org)
Gần 20 tổ chức tại Mỹ ngày 12/08 ra tuyên bố chống lại tình trạng ‘nhắm mục tiêu’ dựa trên sắc tộc, đáp lại việc chính phủ Hoa Kỳ thúc giục các trường đại học tăng cường giám sát các sinh viên cũng như học giả gốc Trung Quốc xuất phát từ quan ngại rằng họ có thể lấy cắp thông tin cho chính quyền Bắc Kinh, theo tờ South China Morning Post.
Các cơ quan tình báo tại Hoa Kỳ, bao gồm Cục Điều tra Liên bang (FBI), trong vài tháng gần đây, yêu cầu các cơ sở nghiên cứu của một số trường đại học phát triển những qui trình nhằm giám sát sinh viên và học giả đến từ các viện nghiên cứu có liên kết với nhà nước Trung Quốc.
Trong thư ngỏ thúc giục chính quyền ‘thận trọng’, 19 trường đại học và các hiệp hội như Hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ, Hội Các trường Cao đẳng và Đại học Hoa Kỳ …, nói chính quyền Mỹ có lí do chính đáng khi quan ngại rằng thể chế toàn trị của Bắc Kinh, với sự giúp sức của công nghệ, đang ngày càng vươn ra thế giới. Tuy nhiên, thư ngỏ nhấn mạnh rằng chuyện “giám sát các cá nhân dựa vào nguyên quán của họ là vi phạm các tiêu chuẩn về tố tụng hợp pháp và đáng báo động trong một nền dân chủ.”
Ngụ ý nhắc tới việc Bắc Kinh giám sát chặt chẽ công dân, thư nêu rõ: “Nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa độc tài vươn cánh tay ra toàn cầu không thể bắt chước những chiêu trò mà họ muốn bài bác.”
Lời cảnh báo chống lại việc ‘nhắm mục tiêu’ dựa trên màu da sắc tộc này được đưa ra trong bối cảnh những quan ngại ngày càng tăng về việc chính phủ Trung Quốc ăn cắp dữ liệu cũng như tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ thông qua những gián điệp cài bên trong hệ thống giáo dục cấp cao của Mỹ.
Trong một vài tháng gần đây, đã xuất hiện một số trường hợp bị sa thải trong giới học thuật ở Mỹ. Hồi tháng 5, cặp vợ chồng nghiên cứu thần kinh học là Li Xiaojiang và Li Shihua đã bị trường đại học Emory tại Georgia sa thải vì cáo buộc không khai báo những nguồn tài trợ có liên quan tới Bắc Kinh.
Ba nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa khác hồi tháng 4 bị Trung tâm Nghiên cứu Ung thư MD Anderson đuổi việc vì cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.
Một số nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa cho biết họ cũng bị FBI gọi hoặc tới gặp dù không hề có bất kì cáo buộc phạm tội nào.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa bị đưa vào danh sách theo dõi hay bắt giữ, nhiều người lo sợ rằng nhóm này đang bị cô lập một cách bất công và trở thành nạn nhân của những “gấu ó” giữa Bắc Kinh và Washington xung quanh những vấn đề liên quan đến thương mại, kĩ thuật và an ninh quốc gia.
Trước thư ngỏ vừa kể, 15 trường đại học tại Mỹ, trong đó có trường Yale, Columbia và Stanford, đã đưa ra những tuyên bố ủng hộ những học giả và nhà nghiên cứu gốc Hoa.
Kể từ năm ngoái, các nhân viên FBI đã đến gặp ít nhất 10 thành viên trong Hội Các trường Đại học Mỹ, một nhóm gồm 62 trường đại học nghiên cứu trên cả nước.
Trong bức thư công bố hôm 12/08, các hiệp hội này kêu gọi các trường đại học “quyết liệt bảo vệ tính độc lập của mình – nhằm duy trì cam kết tự do học thuật.”
Các hội này cũng thúc giục các cơ quan công quyền sử dụng những hình thức khác – ví dụ như công bố những yêu cầu, chia sẻ thông tin và thực thi kiểm soát xuất khẩu – để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi tình trạng bị ăn cắp sản phẩm trí tuệ cũng như gián điệp, thay vì phủ bóng hoài nghi lên hàng trăm ngàn du học sinh và học giả.
Trong thư, các tổ chức này cũng khẳng định, nếu không được tiến hành cẩn thận, động thái này của chính phủ Hoa Kỳ có thể “ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đào tạo các nhà khoa học mới và gây phương hại tới những dự án đang được triển khai.”
“Việc theo đuổi kiến thức khoa học cần được tiến hành dưới điều kiện tự do học thuật, mà không bị ngăn trở bởi bất kì yếu tố chính trị hay ý thức hệ nào,” thư ngỏ nhấn mạnh.