Đường dẫn truy cập

Giới đầu tư chú ý đến Miến Điện khiến các nhà hoạt động tranh đấu lo ngại


Tổng thống Miến Điện Thein Sein
Tổng thống Miến Điện Thein Sein
Miến Điện đang bị áp lực phải thực hiện những cải cách kinh tế rộng lớn trong lúc quốc gia này vẫn còn đang phải bắt kịp thay đổi chính trị đưa ra mới đây. Thông tín viên Ron Corben từ Bangkok tường trình về niềm hân hoan và nỗi lo ngại đối với việc hồi sinh của một nền kinh tế từng có thời là một trung tâm thương mại cho khu vực đông nam Á.

Những cải cách chính trị của Miến Điện dưới thời Tổng thống Thein Sein đã chấm dứt phần lớn tình trạng bị cô lập từng khiến nước này trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất tại đông nam Á.

Nhưng trong lúc các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, vẫn còn những trở ngại cho công cuộc cải cách kinh tế, chính trị, luật pháp cần thiết để tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Sean Turnell, một kinh tế gia tại đại học Macquarie ở Australia mới đây vừa đến thăm Miến Điện, cho biết nhiều hạn chế trong kinh doanh, một số có từ thời kỳ Miến Điện còn là thuộc địa Anh, vẫn còn áp dụng. Ông nói: "Rất nhiều những hạn chế kinh tế chưa được gỡ bỏ, mà theo tôi, chúng đi ngược lại với xu hướng nhất là tại Á châu, xu hướng đó là kinh tế đi trước, chính trị theo sau đứng hàng thứ nhì."

Các bộ trưởng chính phủ đã đưa ra một chương trình cải tổ đầy cao vọng gồm một luật đầu tư mới, tính minh bạch hơn trong chính phủ, những kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, và thành lập những khu công nghiệp.

Cũng có những luật lao động mới, luật thuế khóa mới và cải tổ tiền tệ.

Nhưng chuyên gia Turnell cho hay những thay đổi có thể không được thực hiện đủ nhanh cho tổng thống Thein Sein.

Ông nói: "Theo tôi, đặc biệt là Tổng thống Thein Sein, khá bực bội vì cải tổ chưa đủ nhanh như mức trông đợi. Nói cách khác, về điểm đó, tôi nghĩ có phần chắc chúng ta sẽ thấy sớm có thêm nhiều cải tổ nữa."

Nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã lưu ý các nhà đầu tư hãy thận trọng rằng cần phải có thay đổi đáng kể nữa trong nội tình Miến Điện. Bà nói với giới đầu tư ở thủ đô Bangkok tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng công ăn việc làm là nhu cầu lớn nhất của Miến Điện; bà gọi mức thất nghiệp là một “quả bom nổ chậm.”

Các nhóm hoạt động tranh đấu cũng đưa ra cùng một cảnh báo. Bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của tổ chức Alternative ASEAN Network ủng hộ dân chủ và nhân quyền cho Miến Điện, nói: “Có một thôi thúc như vậy cho đầu tư và doanh nghiệp tại Miến Điện, mà theo tôi, những nhận định của bà Aung San Suu Kyi là điều giúp chúng ta xét lại thực trạng và là một lời cảnh tỉnh, cũng như cả thế giới phải nghĩ đến tình hình của Miến Điện và ảnh hưởng của đầu tư đối với dân chúng địa phương.”

Một số những doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại các quốc gia đang phát triển đã bác bỏ lời cảnh báo đó, cho rằng nó mang tính phóng đại. Chuyên gia Joseph Stiglitz, một giáo sư kinh tế tại đại học Columbia từng được trao giải Nobel kinh tế năm 2001, cho rằng bà Suu Kyi bi quan quá đáng về triển vọng kinh tế Miến Điện và rằng các nhà đầu tư sẽ vẫn tiến hành công việc của họ.

Sự hăng say từ những nhà đầu tư nước ngoài đã gây nên những quan ngại cho một số các nhà phân tích cho rằng kinh tế phát triển nhanh chóng sẽ gây trở ngại cho công cuộc cải tổ chính trị thêm nữa. Cựu thượng nghị sỹ Thái Lan Kraisak Choonhavan đang dẫn đầu công cuộc cổ võ cho nhân quyền Miến Điện. Ông nói: "Sự sống còn của cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ hóa Miến Điện đang tiến dần tới chỗ chết, một cái chết chậm chạp. Toàn bộ nỗ lực hiện nay của các quốc gia Tây phương và các quốc gia khác là nhắm tới các tài nguyên của Miến Điện và những địa điểm đầu tư, như thời Tây tiến đổ xô đi tìm vàng tại Hoa Kỳ thế kỷ thứ 19 vậy."

Nhưng những người khác tại Miến Điện như danh hài Zarganar, từng là tù nhân chính trị trong 11 năm, tin rằng nước ông đã tiến vào một kỷ nguyên mới: “Đây là một thời điểm hết sức quan trọng cho quốc gia chúng tôi, buổi bình minh của Miến Điện. Chúng tôi phải đi đến một ngày tươi sáng, không muốn trở lại đêm đen. Giờ đây chúng tôi đang trong ánh bình minh để tiến vào một ngày tươi sáng. Chúng ta không muốn trở lại đêm đen nữa.”

Công cuộc cải tổ chính trị và sự chú ý của giới đầu tư vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Miến Điện, lực lượng lao động trẻ tuổi và vị trí kề cận của Miện Điện với Trung Quốc và Ấn Độ chưa gì đã khiến Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Miến Điện lên tới 6% trong năm 2012.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG