Đường dẫn truy cập

Giới chức Việt Nam thiệt mạng trong vụ xả súng ở Thái Bình


Tranh chấp đất đai là một vấn đề 'nóng' không chỉ ở Thái Bình mà còn ở nhiều nơi khác vì chính quyền các nơi đang tiến hành giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng.
Tranh chấp đất đai là một vấn đề 'nóng' không chỉ ở Thái Bình mà còn ở nhiều nơi khác vì chính quyền các nơi đang tiến hành giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng.
Một người đàn ông được cho là bất mãn với chính sách đền bù đất đai đã dùng súng bắn vào các giới chức ở tỉnh Thái Bình, khiến 1 người chết và 3 người khác bị thương.

Ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, đã xông vào Trung tâm phát triển quỹ đất tại trụ sở của chính quyền ở tỉnh Thái Bình và nhả đạn vào 5 công chức tại đó.

Báo chí trong nước dẫn lời các nguồn tin cho biết nghi can gây ra vụ án mạng sau đó đã tự sát.

Một giới chức thành phố Thái Bình không muốn nêu danh tính cho VOA Việt Ngữ biết rằng đây là một vụ việc nghiêm trọng.

“Một anh thì mất rồi còn 3 người vẫn ở trong viện. Tất cả các nơi biết hết rồi mà vì là nó cũng nghiêm trọng. Nói chung là vụ này nghiêm trọng. Xảy ra sự việc hôm qua người dân người ta cũng tò mò. Trên mạng người ra cũng đưa tin nhiều rồi mà”.

Giới chức này nói thêm rằng ‘hiện chưa biết nguyên nhân ra làm sao nhưng mà nhà đối tượng này cũng nằm trong diện đền bù’.

“Bây giờ công an tỉnh đang điều tra. Hôm qua nghiệp vụ người ta vào người ta làm hết rồi mà. Công an nghiệp vụ và hình sự người ta vào làm hết chiều hôm qua rồi”.

Bà Ngô Thị Quyên, một người dân sống gần nhà ông Viết, cho VOA Việt Ngữ biết cả tỉnh Thái Bình xôn xao về vụ bắn chết người.

“Đang đám ma cả hai đấy. Một là người bắn chết cũng chết và ông phó giám đốc cũng chết. Tin này khéo cả thế giới đều biết chứ đừng nói là riêng Thái Bình. Có cái vụ gì to, hoành tráng, tốt nhất cũng là Thái Bình, và dở nhất cũng là Thái Bình”.

Bà Quyên cũng cho hay thêm rằng người dân vẫn tiếp tục bàn tán và đồn đoán về nguyên nhân dẫn tới án mạng.

“Lý do thấy bảo là đền bù đất cát cho nhà người ta chưa thỏa đáng. Trung tâm này giải phóng mặt bằng nhưng mà đền bù chưa thỏa đáng đâm ra người ta phấn khích quá đâm ra người ta giết người. Người ta bắn chết thôi”.

Báo chí trong nước dẫn lời giới chức địa phương cho biết rằng động cơ gây án có thể xuất phát từ việc bất bình đối với phương án đền bù thu hồi đất.

Bà Quyên cũng nói thêm rằng sự việc nghiêm trọng đó sẽ ‘lắng xuống’.

“Chẳng có gì đâu vì người bắn cũng chết luôn rồi thì cũng chẳng còn cái gì mà đưa lên nữa rồi. Án nó đến đấy cũng kết thúc rồi. Còn gì nữa? Người ta chết rồi còn đâu nữa?”

Tranh chấp đất đai là một vấn đề được cho là nóng không chỉ ở Thái Bình mà còn ở nhiều nơi khác vì chính quyền các nơi đang tiến hành giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng.

Việc người dân khiếu kiện hay phải dùng tới vũ khí để phản đối chính sách đất đai xảy ra tại địa phương mình không phải là chuyện hiếm trong những năm qua.

Năm ngoái, vụ ông Đoàn Văn Vươn dùng mìn tự chế để chống lại việc chính quyền thu hồi đất, làm nhiều cảnh sát bị thương, gây chấn động dư luận.

Tại phiên tòa phúc thẩm hồi tháng Bảy vừa qua ông Vươn bị y án 5 năm tù như theo phán quyết tại phiên sơ thẩm vì tội danh “Giết người, chống người thi hành công vụ” và “Hủy hoại tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Giới quan sát cho rằng vụ việc của ông Vươn và mới nhất là ông Viết cho thấy sự bất mãn của người dân đối với chính sách đất đai bất hợp lý và còn nhiều bất cập tại Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG