Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ vừa gặp gỡ các tín hữu Tin Lành độc lập, các cựu tù nhân, và đại diện các nhóm tôn giáo khác nhau tại các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam. Theo những người tham dự, hai cuộc gặp tại Đăk Lăk và Gia Lai vào tuần trước diễn ra suôn sẻ, dù họ bị an ninh “theo dõi” cả trước và sau khi gặp phái đoàn Hoa Kỳ.
Mục sư Tin Lành Nguyễn Hồng Quang cho VOA biết nội dung trao đổi giữa các tín đồ và ông Noah Zaring, tham tán chính trị và ông Gaetan Damberg-Ott, viên chức chính trị:
“Tại Gia Lai có 8 người gặp, tại Đăk Lăk có 12 người gặp. Khác với các lần gặp trước, lần này [phía Mỹ] quan tâm rất chi tiết hơn, hỏi thăm các nhóm Tin Lành chưa được công nhận, kể cả nhóm có pháp nhân, họ có khó khăn gì và còn vấn đề gì tồn tại? khi đã cho phép hoạt động thì họ còn gặp khó khăn gì? Đối với các tín đồ vì lý do tự do tôn giáo mà trước đây từ 2001-2004 đấu tranh mà bị đi tù thì quay về phải đối diện với những khó khăn gì?”
Ông Y Quy Buon Dap, người dân tộc Eđê, ở làng Ea Khit, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, một tín đồ Tin Lành, đồng thời là một thành viên nhóm vận động Người Thượng vì Công lý (Montagnards stand for Justice), cho VOA biết thêm về cuộc gặp giữa ông, cùng các tín đồ khác và hai viên chức ngoại giao Hoa Kỳ.
“Tôi nói lên sự thật về tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, từ năm 2018 cho đến nay chúng tôi vẫn còn chịu sự sách nhiễu, đe dọa, đàn áp, bắt bớ từ nhà cầm quyền. Họ canh gác, theo dõi thường xuyên. Nhiều tín đồ và lãnh đạo hội thánh bị áp giải lên đồn công an thẩm vấn.
“Họ tuyên truyền trong các cuộc họp với quần chúng để tẩy chay hội thánh của chúng tôi, hăm dọa người dân không được tiếp cận với giáo dân, tín đồ trong hội thánh của chúng tôi, cho rằng đó là “tà đạo.”
“Họ nói chúng tôi lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước. Họ gán ghép như vậy để xóa bỏ tôn giáo của người Montagnard Đềga của chúng tôi.
“Nhiều hội thánh của chúng tôi chưa dám công khai hoạt động, thờ phượng vì sợ bắt đi tù như trường hợp của thầy truyền đạo Y Pum Bya, tín đồ Y Min Ksor, mục sư A Đảo.”
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết lực lượng an ninh có mặt xuyên suốt và “làm phiền” tại cuộc gặp ở Đăk Lăk hôm 17/06:
“Rất đông an ninh, công an tỉnh Đăk Lăk biết trước cuộc gặp này, họ ngồi đó rất đông, gây áp lực với khác sạn Sài Gòn Buôn Mê, nơi phái đoàn Mỹ đặt phòng họp. Họ hỏi danh sách, lấy giấy tờ giống như mình nghỉ qua đêm, trong khi mình là khách mời đến chỉ uống nước. Tôi có nói với họ là đừng làm phiền chúng tôi.”
Ông Y Quy Buon Dap cho VOA biết cả ba tín đồ trong nhóm của ông đều bị an ninh theo dõi, có trường hợp an ninh tìm đến nhà để “dò xét” sau cuộc gặp.
“Cả ba người đều bị theo dõi. Khi gặp viên chức đại sứ quán Mỹ có công an chụp hình lén. Hôm sau, tôi về tới nhà thì có công an canh gác tư gia rất nhiều.”
VOA đã liên lạc với công an tỉnh Đăk Lăk và khách sạn Sài Gòn Ban Mê để tìm hiểu thêm về cáo cuộc “làm khó” khách tham dự cuộc họp với các nhà ngoại giao Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Từ North Carolina, ông Y Phic Hdok, đại diện cho Montagnards Stand for Justice cho VOA biết rằng “cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Hoa Kỳ và các tín đồ của hội thánh tư gia là một điều rất quan trọng.”
Ông Y Phic cho biết thêm: “Đó là cơ hội để họ lắng nghe những câu chuyện thật của từng cá nhân bị đe doạ, đàn áp về vấn đề thực hành niềm tin của mình. Nhiều mục sư và tín đồ khác hiện tại luôn bị đe doạ, ép bỏ đạo, để theo tôn giáo mà họ trọn quyền kiểm soát, họ tuyệt đối không cho những tín đồ họp lại với nhau, họ kiếm những lý do để mời các tín đồ lên đồn công an hay làm việc một cách vô cớ, họ cho rằng tôn giáo mà các tín đồ đang theo là “của Mỹ đang âm mưu lật đổ chính quyền,” nhưng đó chỉ là cái cớ để chính quyền gán mác để đàn áp, và xúi giục những người dân khác không đi theo.”
Hôm 10/06/2020, trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết “chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục sách nhiễu các tín đồ Tin lành thuộc dân tộc thiểu số,” với việc “các quan chức chính phủ tiếp tục tấn công, theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ một cách tùy tiện và phân biệt đối xử với các tín đồ, một phần vì các hoạt động tôn giáo của họ.”