MOSCOW—Nga ban hành một đạo luật hồi tháng 7 dọa phạt vạ những từ ngữ thô thiển được sử dụng công khai trong truyền thông, phim ảnh, văn chương, âm nhạc và sân khấu. Đây là hạn chế khó khăn nhất kể từ thời Xô viết, với lý do nhằm bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Nga và được hoan nghênh bởi những người cho rằng những từ ngữ báng bổ đang vượt khỏi tầm kiểm soát.Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ bác bỏ biện pháp mà họ xem là một hành động kiểm duyệt trịch thượng, và chẳng có tác động gì, đi cùng với một chuỗi những luật lệ về đạo đức thủ cựu.
Nhà hát ở Nga nổi lên từ hoạt động hoàn toàn mang tính cách tuyên truyền của thời Xô viết như một diễn đàn đa dạng cho các giao tiếp xã hội cũng như thể hiện tính sáng tạo.
Tuy nhiên một đạo luật mới được ban hành chống việc sử dụng những ngôn từ báng bổ nhắm vào các nhà hát với số tiền phạt vạ lên đến 1.400 đôla, nếu tác phẩm của nhà hát chen những lời chửi rủa bị xem là không phù hợp.
Giới ủng hộ luật
Những người ủng hộ luật này, như giáo sư sử học Anna Kuzmina tại Đại học Quốc gia Moscow chẳng hạn, cho rằng luật sẽ giúp phát huy hình thái văn hóa nghệ thuật tốt đẹp hơn. Bà nói:
"Tôi thiển nghĩ, và tôi là người ủng hộ luật này, những ngôn từ thổ thiển gần như đã trở nên bình thường và thậm chí còn tạo được một mức hấp dẫn nào đó. Thông thường người ta chẳng phải mất công tìm từ ngữ, mà chỉ nói lên một cách sôi nổi bày tỏ ý nghĩ của mình với những từ ngữ báng bổ."
Luật cấm phát ngôn từ báng bổ cũng cấm các bộ phim chiếu cho công chúng xem có những lời chửi thề và buộc các sách vở, âm nhạc phải có nhãn cảnh báo việc này.
Tuy có một số nghệ sĩ đồng ý rằng những ngôn từ thô thiển đôi khi bị lạm dụng để thu hút sự chú ý, đa số kiên quyết chống lại bất cứ hình thức kiểm duyệt nào kể cả phạt vạ.
Bà Elena Gremina, người đứng đầu nhà hát độc lập “Theatre-Doc”, từ chối tuân thủ đạo luật, đã được quốc hội Nga, Viện Duma, ban hành hồi tháng Bảy. Bà nói:
“Viện Duma của chúng tôi được mệnh danh là “chiếc máy in điên rồ” vì luật đề ra trong lãnh vực văn hóa thật ngớ ngẩn và mỗi luật đưa ra tiếp theo sau đó lại càng ngớ ngẩn hơn. Chúng phi lý, vô nghĩa và người ta không thể hiểu được cái lý lẽ của chúng.”
Phát huy chủ nghĩa dân tộc
Một vài tác giả vĩ đại trong lịch sử văn học Nga như đại thi hào Alexander Pushkin, từng sử dụng những từ báng bổ tóe lửa.
Trước khi luật có hiệu lực, nhà viết kịch Evgeniy Kazachkov đã tiếp tay tổ chức một show hài hước được gọi là "Tạm biệt những từ ngữ bốn chữ cái” (những từ ngữ báng bổ)
Ông nói có những quan ngại nghiêm trọng về quy định này:
"Người ta còn nghi ngại rằng luật này, được thảo khá mơ hồ, sẽ được sử dụng không chỉ như một công cụ phổ thống kiểm soát và trừng phạt, mà còn nhắm vào một số người không được ưa thích trong một số trường hợp đặc biệt nào đó.”
Luật này được xem như nằm trong khuôn khổ của một phong trào bảo thủ nhằm đưa giới trẻ Nga vào khuôn khổ văn hóa dân túy hơn khác với tinh thần tự do của phương tây.
Năm ngoái viện Duma đã hình sự hóa điều mà họ gọi là “tuyên truyền đồng tính luyến ái” và nỗ lực cấm việc mượn từ ngữ tiếng Anh sang tiếng Nga.
Giám đốc Nhà hát Nikitsky, ông Mark Rozovsky, nhận định rằng cơ quan lập pháp của Nga đang sử dụng các luật lệ đạo đức để đánh lạc hướng xã hội về những vấn đề cấp bách và thực tế mà họ không muốn giải quyết. Ông nói:
“Bạn biết đấy, các lệnh cấm chẳng được gì. Chúng chỉ có những kết quả ngược [với những gì họ cố gắng đạt được]. Cũng giống như khi họ chống việc uống rượu vodka. Cũng cách đó, bây giờ họ chống lại ngôn từ báng bổ.”
Nga đang tiến hành cuộc chiến chống các từ ngữ thô tục trên Internet với kế hoạch ra mắt một phần mềm có tên là "swearbot" trong vài tuần tới. Phần mềm này được thiết kế để loại trừ ngôn ngữ được xem là không phù hợp trên Internet.
Bộ Văn hóa Nga từ chối yêu cầu của VOA bình luận về vấn đề này.