Giới hữu trách Philippines cho biết hơn 40 người thiệt mạng trong vụ giao tranh giữa một toán cảnh sát đặc biệt và những tay súng của Mặt trận Hồi giáo Giải phóng Moro, là nhóm phiến quân lớn nước đã ký một hòa ước với chính phủ hồi năm ngoái. Vụ giao tranh xảy ra hôm chủ nhật, một ngày trước khi diễn ra các cuộc điều trần tại quốc hội về một dự luật để thành lập một khu vực tự trị ở miền nam Philippines, nơi đa số cư dân là người theo đạo Hồi. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tường thuật.
Cảnh sát ở miền nam Philippines cho biết hơn 40 binh sĩ chính phủ và phiến quân đã thiệt mạng trong vụ đụng độ ngày hôm qua tại thị trấn Mamsapano trong tỉnh Maguindanao, một cứ địa của Mặt trận Hồi giáo Giải phóng Moro (MILF). Tin tức cho biết các binh sĩ chính phủ khi đó đang truy lùng Zulkifli bin Hir, một nghi can khủng bố người Malaysia khét tiếng về khả năng chế bom.
Nhà thương thuyết hòa bình hàng đầu của MILF nói rằng lẽ ra lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines nên thông báo cho các thành viên của phe nổi dậy biết là họ đang thực hiện những cuộc hành quân trong khu vực.
Chủ tịch Ủy ban Chuyển tiếp, ông Mohagher Iqbal nói rằng “phối hợp là một việc không thể thiếu.”
Nhiều người nghĩ rằng giải quyết một vấn đề tạo ra rất nhiều vấn đề. Và việc này đã có một hiệu ứng lan tỏa đối với Bộ luật Cơ bản của vùng Bangsamoro mà quốc hội đang bàn thảo.
Chủ tịch Ủy ban Chính quyền Địa phương của Thượng viện, ông Ferdinand Marcos Jr. đã tạm ngưng cuộc điều trần về dự luật này. Ông nói trong một thông cáo rằng Thượng viện không thể xúc tiến việc này “trong lúc một đám mây mù của sự hoài nghi nghiêm trọng đang treo lơ lửng trên tình hình an ninh ở miền nam.” Dân biểu Rufus Biazon, người đứng đầu Uûy ban Lâm thời về Bộ luật Cơ bản của vùng Bangsamoro, cũng đưa ra một nghị quyết đòi tạm ngưng các cuộc điều trần liên quan tới vấn đề an ninh và chấp hành luật pháp. Ủy ban Lâm thời cũng yêu cầu điều tra về vụ chạm súng hôm chủ nhật.
Tuy nhiên, cuộc điều trần của một ủy ban Thượng viện về tính chất hợp hiến của dự luật thành lập khu tự trị Bangsamoro đã diễn ra ngày hôm nay bất chấp vụ bạo động.
Đây là vụ đụng độ lớn đầu tiên giữa đôi bên kể từ khi phiến quân và chính phủ ký kết một hòa ước hồi tháng 3 năm ngoái. Thỏa thuận này nhằm chấm dứt cuộc giao tranh kéo dài 4 thập niên ở miền nam đã gây tử vong cho hơn 120.000 người và buộc hàng triệu người phải tản cư. Trong những năm tiến hành đàm phán, và trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, một toán nhân viên quốc tế đã được bố trí để giám sát cuộc ngưng bắn giữa đôi bên.
Người đứng đầu phái đoàn thương thuyết của chính phủ, bà Miriam Coronel-Ferrer, đưa ra một thông cáo, trong đó nói rằng chính phủ “vô cùng đau buồn trước những thiệt hại về sinh mạng” trong vụ giao tranh. Bà nói rằng chính phủ đã gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng về sinh mạng nhưng vụ giao tranh này sẽ làm cho các nhà lập pháp ngưng chỉ việc xem xét dự luật thành lập khu vực tự trị cho người Hồi giáo ở miền nam.
"Chúng ta phải tiến tới và phải có khả năng giải quyết những vấn đề này với một cách thức toàn diện hơn và với một cung cách mà qua đó chúng ta có thể làm việc chung càng nhiều càng tốt với những nhóm đã từ bỏ bạo động ngõ hầu chúng ta có thể cô lập những kẻ tiếp tục sử dụng bạo lực để phục vụ cho các mục tiêu chính trị hoặc những kẻ thuần túy là những phần tử tội phạm."
Các nhà thương thuyết hòa bình đã tự ấn định một thời hạn chót là giữa năm 2016, khi Tổng thống Benigno Aquino rời khỏi chức vụ, để thực thi những qui định chính của hòa ước. Từ nay cho tới khi đó, bộ luật cơ bản về vùng Bangsamoro phải được thông qua, giới hữu trách phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để cư dân trong khu vực quyết định là họ có muốn trở thành một phần của khu tự trị mới hay không, và một chính phủ theo thể chế đại nghị phải được thành lập sau cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 2016.