Đường dẫn truy cập

Iraq: Giao tranh dữ dội để giành quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu


Các thành viên lực lượng an ninh Iraq chiến đấu với các phiến quân ISIL tại thành phố Ramadi, ngày 19/6/2014.
Các thành viên lực lượng an ninh Iraq chiến đấu với các phiến quân ISIL tại thành phố Ramadi, ngày 19/6/2014.
Binh sĩ chính phủ và các phần tử nổi dậy ở Iraq tiếp tục giao chiến hôm nay để chiếm quyền kiểm soát một nhà máy lọc dầu quan trọng, giữa lúc Hoa Kỳ đang chuẩn bị gửi cố vấn quân sự tới để hỗ trợ cho cuộc chiến chống các phần tử chủ chiến Hồi giáo Sunni.

Từ hôm thứ Ba, hai bên đã giao tranh dữ dội để giành quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu rộng lớn Beiji nằm cách thủ đô Baghdad khoảng 250 km về hướng Bắc. Tính cho tới tối hôm qua, tin tức nói mỗi bên đã nắm một phần của nhà máy này.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao nói các chiến binh thuộc nhóm tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo Iraq và miền Cận Đông”- gọi tắt là ISIL, hiện đang kiểm soát một cơ sở chế tạo vũ khí hóa học từng thuộc quyền sở hữu của Tổng thống Iraq bị lật đổ Saddam Hussein.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói Hoa Kỳ vẫn tiếp tục “quan ngại về bất cứ địa điểm nào lọt vào tay của quân ISIL”, nhưng bà nói có phần chắc cơ sở liên hệ không có chứa vũ khí hóa học nào có giá trị về mặt quân sự. Bà Psaki nhấn mạnh rằng tháo gỡ và hủy bỏ an toàn các vật liệu hóa học tại đó là một công tác “vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.”

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm qua tuyên bố ông sẵn sàng gửi thêm thiết bị và tới 300 cố vấn tới giúp Iraq chiến đấu chống các phần tử chủ chiến đã chiếm quyền kiểm soát phần lớn khu vực miền Bắc nước này.

Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, Ông Obama nói chiến tranh Iraq, khởi sự từ năm 2003, đã để lại những “vết thương sâu đậm”. Ông loại bỏ giải pháp điều bộ binh Mỹ trở lại Iraq, nhưng tuyên bố Mỹ sẵn sàng tiến hành những hành động quân sự “nhắm đúng mục tiêu” nếu cần thiết, và mở ngỏ khả năng thực hiện các cuộc không kích tấn công các phần tử chủ chiến Sunni.

Tổng Thống Obama nói các lực lượng tác chiến Mỹ sẽ không trở lại tham chiến tại Iraq. Ông nói Hoa Kỳ không thể giải quyết vấn đề này một cách đơn giản bằng cách triển khai hàng chục ngàn binh sĩ tới Iraq, và Washington không sẵn sàng đổ thêm máu và tài sản, như đã làm tại Iraq trong thời gian qua. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rốt cuộc đây là một vấn đề chỉ có thể được giải quyết bởi người Iraq.

Tổng Thống Obama đang phái Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry tới Trung Đông và Âu Châu để thảo luận với các đồng minh của Mỹ.

Ngoại trưởng Kerry mô tả tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và miền Cận Đông”- ISIL là một mối đe dọa cho tất cả mọi người trong khu vực, nhưng nói rằng không có một giải pháp quân sự duy nhất nào có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Ông nói thành lập một chính phủ đoàn kết càng sớm càng tốt có thể là bước lớn nhất tiến tới một giải pháp cho vấn đề Syria.

Trong khi đó một giới chức quốc phòng cấp cao nói với Đài VOA rằng quân đội Mỹ đã và đang sẵn sàng tiến hành bất cứ giải pháp quân sự nào tại Iraq. Giới chức xin được giấu tên này nói các kế hoạch đó có thể được xúc tiến lập tức, ngay sau khi được sự chấp thuận của Tổng Thống Obama.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG