Hôm 6/5 Giáo sư Trương Nguyện Thành cho VOA biết ông đang bay trở lại Việt Nam, sau mấy hôm về Mỹ vì một quyết định gây tranh cãi của cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nhiều khả năng cho thấy ông sẽ không cộng tác với trường đại học Hoa Sen nữa.
Tuần trước truyền thông Việt Nam cho biết giáo sư Trương Nguyện Thành đã rời đại học Hoa Sen về lại Mỹ sau khi Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định cho rằng giáo sư người Mỹ gốc Việt này ‘không đủ kinh nghiệm’ làm hiệu trưởng, dù Hội đồng Quản trị nhà trường đã tín nhiệm bầu ông.
Ngày 7/5, trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nói rằng hiện chỉ mới có văn bản tham mưu của Sở GD-ĐT TP.HCM, chứ chưa có văn bản chính thức của UBND TP.HCM. Ông Hiệp nói thêm: “lúc có quyết định chính thức thì trường mới có động tác tiếp theo.”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Trịnh Xuân Thủy, một người chuyên theo dõi các vấn đề giáo dục – xã hội của Việt Nam, nêu nhận định của ông về quyết định trên của Sở GD-ĐT TP.HCM:
“Nếu thực sự mà giáo sư Thành phải trở về Mỹ chỉ vì cái lý do này thì thật là một điều đáng tiếc. Ở đây có thể là trong kết luận còn có những sơ xuất, nhưng nên biết rằng trường ĐH Hoa Sen về cơ bản đã trở thành trường tư thục và tự chủ hoàn toàn, đồng nghĩa là đây là một doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, vì vậy cơ chế quản lý phải là cơ chế của Luật Doanh nghiệp. Tôi không hiểu việc họ gây sức ép hay họ dùng quy chế nào trong việc bầu giáo sư Thành làm hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen.”
Tôi không hiểu việc họ gây sức ép hay họ dùng quy chế nào trong việc bầu giáo sư Thành làm hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen.Ông Trịnh Xuân Thủy.
Theo Điều 20 Luật Giáo dục ĐH Việt Nam hiện hành, hiệu trưởng phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm, có trình độ tiến sĩ đối với trường ĐH, giám đốc học viện, đại học, và có sức khỏe tốt.
Viết trên Facebook sau khi rời Đại học Hoa Sen, giáo sư Thành chia sẻ: “Hội Đồng Quản Trị của ĐH Hoa Sen đề cử tôi vào vị trí Hiệu trưởng với số phiếu 16/18 (2 phiếu trắng) một phần nói lên sự tín nhiệm vào khả năng của tôi. Còn việc công nhận vị trí Hiệu trưởng của một trường đại học tư thục là theo luật Giáo dục đại học của Việt Nam, tôi không có ý kiến.”
Truyền thông Việt Nam nêu nhận định của giáo sư Vũ Hà Văn, Đại học Yale: “Giáo sư Thành, về khả năng và thành tích nghiên cứu, hơn mặt bằng ở Việt Nam rất xa. Ông đã làm hiệu phó một thời gian và được ban quản trị của trường tín nhiệm với số phiếu cao. Như vậy về năng lực là thích hợp, vả lại Hoa Sen là trường tư, tự nhiên ban quản trị sẽ hành động theo hướng tốt nhất cho trường.”
Tương tự, tiến sĩ Đàm Quang Minh, thuộc Tổ chức Giáo Dục Hoa Kỳ, nói với Báo Thanh niên rằng ở Mỹ thậm chí không yêu cầu hiệu trưởng trường đại học cần phải có bằng tiến sĩ. Ông kết luận rằng: “Giáo sư Thành cũng rất phù hợp nếu xét theo tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học Mỹ.”
Ông Trịnh Xuân Thủy nêu thực trạng chung về chính sách sử dụng các học giả gốc Việt vào nền giáo dục trong nước:
“Nền giáo dục tiên tiến của quốc tế là một trong những mục tiêu mà nền giáo dục Việt Nam cần phải hướng tới. Trong đó những người như giáo sư Thành là những nhân tố quan trọng. Thế nhưng các nhà khoa học, có nhiều thành tựu nghiên cứu, có tri thức cao từ các nước tư bản, phương Tây… về Việt Nam giảng dạy hay tham gia các hoạt động khoa học trong nước đều không chịu được những vướng mắc về mặt quản lý, chính sách, nói chung là mọi thứ… khiến họ rốt cuộc phải ra đi, hoặc bị hạn chế rất nhiều… mà trước đây đã xảy ra với trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu.”
Các nhà khoa học, có nhiều thành tựu nghiên cứu, có tri thức cao từ các nước tư bản, phương Tây… về Việt Nam giảng dạy hay tham gia các hoạt động khoa học trong nước đều không chịu được những vướng mắc về mặt quản lý, chính sách, nói chung là mọi thứ… khiến họ rốt cuộc phải ra đi, hoặc bị hạn chế rất nhiều.Ông Trịnh Xuân Thủy.
Giáo sư Thành được sinh viên biết đến qua hình ảnh một người thầy thân thiện, đôi khi mặc quần short, áo thun đi dạy. Ông được cho là người tìm cách cởi trói trong tư duy sáng tạo và hành động. Báo chí trong nước nói ông là trí thức Việt kiều có tài đúng nghĩa, được trọng dụng và yêu quý.
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 7/5, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhận định: "Ở đây hội đồng nhà trường đã có ý kiến thì tôi nghĩ cơ quan quản lý cần phải cân nhắc, xem xét. Đúng là đúng luật nhưng những quy định đã lạc hậu thì phải điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Luật Giáo dục ĐH nên tăng quyền tự chủ cho các trường."
Theo ông Lê Viết Khuyến, cơ quan quản lý nhà nước nên có thay đổi tư duy, vì nếu chỉ bám theo những quy định cứng nhắc thì “thiệt thòi cho giáo dục Việt Nam”. Nói thêm về trường hợp của GS Thành, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: "Cần phải sửa luật, hoặc là trình cơ quan cấp cao hơn để có hướng xử lý đối với những trường hơp đặc biệt."