Đường dẫn truy cập

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: ‘Thích Minh Tuệ không phải nhà sư’


Hình ảnh người được cho là 'Sư Thích Minh Tuệ' trên mạng xã hội. Ông thu hút rất đông người đi theo ở mỗi địa phương ông đi qua. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Hình ảnh người được cho là 'Sư Thích Minh Tuệ' trên mạng xã hội. Ông thu hút rất đông người đi theo ở mỗi địa phương ông đi qua. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)

Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ hôm 16/5 cùng ra văn bản nói rõ quan điểm về vụ việc ông Thích Minh Tuệ, một hiện tượng trên mạng xã hội Việt Nam trong thời gian qua, và đều khẳng định rằng ông ‘không phải nhà sư’.

Ông Thích Minh Tuệ xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook và YouTube trong thời gian qua dưới hình ảnh giống như một nhà sư với chiếc đầu đã cạo tóc, mặc trang phục giống như cà sa nhưng chắp vá, đầu để trần, đi chân đất, tay ôm nồi cơm điện đi bộ từ Nam ra Bắc.

Trong các đoạn video được đăng tải, ở mỗi địa phương ông Thích Minh Tuệ đi qua đều có nườm nượp người kéo tới theo dõi, đi theo, đảnh lễ, cúng dường, quay phim, chụp ảnh… gây náo động cả một vùng.

Nhiều người thậm chí còn tôn sùng ông như một ‘bậc chân tu’, ‘hành giả đích thực’, ‘tu theo hạnh đầu đà’, ‘theo đúng giáo pháp Đức Phật’, thậm chí có người còn gọi ông là ‘Phật sống’.

Nhiều ý kiến đã lấy hình ảnh ông Thích Minh Tuệ để so sánh với cách tu của các vị tăng, ni đang tu hành trong các tự viện ở Việt Nam. Từ đó, họ đả kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam nói chung là ‘suy đồi’ và ‘tha hóa’.

Tuy nhiên, cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ đều khẳng định rằng ông Thích Minh Tuệ ‘không phải là nhà sư’, theo công văn của hai cơ quan này gửi ra được báo chí trong nước đăng tải.

Theo đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này ‘không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam’.

Theo kết quả xác minh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ‘sư Thích Minh Tuệ’ có tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông hiện sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Ông từng là cán bộ đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên, nhưng sau đó đã bỏ việc để đi bộ từ từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Hiện giờ, ông đang đi qua địa phận các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh xuôi vào Nam, vẫn theo văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ cũng khẳng định giống như Giáo hội Phật giáo Việt Nam về nhân thân của ông Thích Minh Tuệ, và cho biết ông Lê Anh Tú ‘tự xưng là Thích Minh Tuệ’ chứ ‘không phải tu sỹ Phật giáo’.

Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết ông Lê Anh Tú ‘đi bộ theo hình thức thực hành phương pháp tu tập hạnh đầu đà’ và ‘đã ba lần đi bộ từ miền Nam ra miền Bắc và ngược lại’.

Cả hai cơ quan này đều cho rằng sở dĩ có ‘hiện tượng Thích Minh Tuệ’ là do có những Facebooker, TikToker và YouTuber đi theo ông để quay clip đăng tải và phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội nhằm câu view vì những lần trước ông thực hiện hành trình, ‘không có mấy ai quan tâm’.

Tuy nhiên, cả hai cơ quan này đều không chỉ trích hay lên án hành vi của ông Thích Minh Tuệ nhưng cho rằng hình ảnh của ông đã bị lợi dụng ‘để bình luận xuyên tạc về đời sống tu hành của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam’.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Ban Trị sự các tỉnh, thành thông báo rõ ràng tới Phật tử và nhân dân 'để tránh ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư' và đề nghị chính quyền địa phương 'có biện pháp ngăn chặn những bình luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên mạng xã hội'.

Ban Tôn giáo Chính phủ thì cho rằng hành trình của ông Lê Anh Tú ‘làm ảnh hưởng an ninh trật tự và giao thông trên các địa bàn’ và yêu cầu các cơ quan trực thuộc ở các tỉnh thành khi ông Tú đi tới địa bàn ‘không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật’.

Cơ quan quản lý tôn giáo Nhà nước cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn tăng ni, Phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật đồng thời vẫn ‘tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì của mọi người nhưng cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật’.

Bản thân ông Lê Anh Tú khẳng định ông không phải là tu sĩ Phật giáo, không thuộc bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà.

Trả lời báo chí trong nước hôm 17/5, ông cho biết ông từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa và pháp danh Thích Minh Tuệ được đặt tại ngôi chùa này. “Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, con ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này,” ông nói với VnExpress.

Về cách tu ‘hạnh đầu đà’, trên tờ Thanh Niên, Hòa thượng Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, giải thích rằng đó là cách tu khổ hạnh được chế định để ‘thúc liễm thân tâm, thanh tịnh ba nghiệp’.

Cách tu hạnh đầu đà được quy định rất chặt chẽ và khắt khe, vị hòa thượng này cho biết, chẳng hạn như chỉ mặc y phấn tảo, tức là y được chắp vá từ những mảnh vải nhặt ở lề đường hay đống rác; chỉ đi xin ăn từng nhà không phân biệt giàu, nghèo; chỉ khất thực trước ngọ; chỉ ăn một lần trong ngày; không để dành lại thức ăn; có gì ăn đó không phân biệt ngon, dở; không được ở trong thành thị hay làng xóm mà chỉ được ở rừng, ở nghĩa địa, ở ngoài trời; ngủ trong tư thế ngồi, không ngủ một chỗ quá một đêm và thời gian buổi chiều phải được dành để thiền quán, thiền hành để ôn lại những lời dạy của Đức Phật.

Hòa thượng Thích Chân Tính cho biết mục đích của cách tu hạnh đầu đà là để ‘rèn luyện tính thiểu dục tri túc’. Trong hàng đệ tử của Đức Phật, có tôn giả ‘Ca Diếp’ được Đức Phật chấp thuận cho tu theo hạnh đầu đà và Ngài đã được tôn xưng là ‘Đầu đà Đệ nhất’.

“Trong điều kiện sống ngày nay, khó ai có thể thực hành được mười ba hạnh đầu đà này,” Hòa thượng Thích Chân Tính được Thanh niên dẫn lời nói.

Theo lịch sử Phật giáo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khởi thủy tu theo lối khổ hạnh, ép xác trong rừng già suốt 6 năm. Sau đó, Ngài bị kiệt sức và nhận thấy rằng tu khổ hạnh là ‘cách tu cực đoan’, không thể phát huy được trí tuệ nên đã từ bỏ lối tu này để đi theo con đường trung đạo. Sau đó, Ngài đã nhận bát sữa cúng dường, dần dần lấy lại sức khoẻ và đạt được Giác Ngộ sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG