Đường dẫn truy cập

Giáo hoàng sắp thăm Thái Lan, có dịp đoàn tụ gia đình


Đức Giáo hoàng Phanxicô chào giáo dân ở Antananarivo, Madagascar, trong buổi lễ ngày 8/9/2019.
Đức Giáo hoàng Phanxicô chào giáo dân ở Antananarivo, Madagascar, trong buổi lễ ngày 8/9/2019.

Người Công giáo ở Thái Lan đang vui mừng trước thông tin được công bố chính thức về chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến nước này lần đầu tiên sau 35 năm, nhưng thông tin này còn đặc biệt hơn đối với một nữ tu 77 tuổi đang sống tại một vùng hẻo lánh của Thái Lan, theo AP.

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ có chuyến thăm 4 ngày đến Thái Lan vào ngày 20/11, chặng đầu tiên của chuyến công du châu Á, sau đó ông sẽ tới Nhật Bản, theo thông báo của các giới chức Công giáo hồi cuối tuần qua.

Chuyến thăm của Giáo hoàng được cho là sẽ làm tươi mới niềm tin của gần 400.000 tín hữu tại đây. Tuy nhiên, đối với sơ Ana Rosa Sivori, chuyến thăm còn có nghĩa đặc biệt là một cuộc đoàn tụ gia đình.

Tại trường nữ sinh St. Mary ở Udon Thani, cách Bangkok khoảng 570 km về phía đông bắc, các học sinh của trường chỉ mới biết được mối quan hệ đặc biệt của cô hiệu phó khiêm tốn với Đức Giáo Hoàng.

Từ Buenos Aires, Argentina, sơ Ana Rosa đã đến Thái Lan vào năm 1966 để làm việc truyền giáo cho nhiều nơi trên đất nước này. Bà có chung ông cố với Hồng y Jorge Mario Bergoglio, người mà 6 năm trước đã trở thành Giáo hoàng Phanxicô. Bà và Đức Giáo Hoàng là anh em họ đời thứ hai.

Khi thông tin về chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng lan truyền trước khi có thông báo chính thức, nữ tu Ana Rosa đã từ một người gần như không ai để ý tới trở thành trung tâm của sự chú ý ngày càng hứng khởi trong cộng đồng.

Hai năm trước, Giáo hoàng Phanxicô đã có chuyến thăm lịch sử đến Myanmar. Chuyến thăm diễn ra vào thời gian đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Hồi giáo Rohingya. Quân đội Myanmar đã thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Rohingya, và những lời kêu gọi truy cứu trách nhiệm của các quan chức đã dẫn đến việc phải xem xét kỹ lưỡng những người mà Giáo hoàng gặp gỡ và phát biểu.

Hàng trăm ngàn người đã đổ xô đến gặp Đức Giáo hoàng trong chuyến thăm đó, bao gồm nhiều người đi từ quốc gia láng giềng Thái Lan, nhưng không có sơ Ana Rosa. Bà nói bà không muốn chiếm thời gian của ông.

Nhưng bà khẳng định hai người vẫn rất gần gũi và giữ liên lạc với nhau.

“Anh ấy là người theo trường phái xưa, không bao giờ gửi email mà thay vào đó là viết thư bằng tay và gửi chúng qua Đại sứ quán Vatican ở Bangkok”, sơ Ana Rosa tiết lộ.

Lần cuối cùng hai anh em gặp nhau là vào hai năm trước tại Vatican.

“Tôi sẽ rất vui gặp anh ấy, và anh ấy cũng sẽ rất vui khi gặp tôi”, bà nói và cười lớn. “Chúng tôi sẽ có cơ hội gặp nhau và nói chuyện một chút”.

Năm 1984, Đức Giáo Hoàng John Paul II trở thành giáo hoàng đầu tiên đến thăm Thái Lan khi ông dành hai ngày thăm nước này, một phần để cảm ơn Vương quốc Thái Lan vì đã che chở cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh ở các nước láng giềng. Ông đến thăm một trại tị nạn để truyền bá thông điệp về hy vọng.

Đạo Công giáo đã tới Thái Lan từ 350 năm trước, nhưng người Công giáo chiếm chưa tới 1% dân số trong đất nước áp đảo bởi Phật giáo.

Sơ Ana Rosa cho biết bà được sai đến ở tại Thái Lan theo lệnh của Giáo hoàng.

“Anh ấy đã nói chuyện với mẹ bề trên của chúng tôi, bề trên của hội dòng, và nói rằng công việc của tôi là ở Thái Lan, làm việc tại Thái Lan, vì vậy xin bà đừng chuyển cô ấy đến bất cứ đâu”, sơ Ana Rosa nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG