Trung Quốc đưa giàn khoan tâm điểm cuộc tranh chấp chủ quyền với Việt Nam từ năm ngoái quay trở lại gần bờ biển Việt Nam, chỉ vài tuần trước khi Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng công du Hoa Kỳ.
Động thái được Cục An toàn Hải dương Trung Quốc loan báo diễn ra không lâu sau khi Bắc Kinh tỏ dấu đang tiến gần tới việc lập các tiền đồn mới ngay khu vực tâm điểm hàng hải của Đông Nam Á và đang gần hoàn tất công tác bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Năm ngoái, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Hà Nội nói thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, gây ra các cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc trên cả nước và đẩy quan hệ Việt-Trung xuống mức thấp nhất kể từ chiến tranh biên giới 1979.
Reuters ngày 26/5 dẫn phát biểu của một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết giàn khoan này hiện nay dường như đang ở khu vực mà vùng đặc quyền kinh tế của hai nước Việt-Trung chồng chéo nhau nhưng xa hơn vị trí hồi năm ngoái.
Thông cáo đăng trên trang web của Cục An toàn Hải dương Trung Quốc nói giàn khoan Hải Dương sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò đại dương tại địa điểm cách thành phố nghỉ mát Tam Sa trên đảo Hải Nam chừng 75 hải lý.
Các chuyên gia ước tính vị trí Hải Dương 981 hiện cách bờ biển Việt Nam chừng 167 cây số về hướng Đông.
Giàn khoan trị giá 1 tỷ đô la sẽ lưu lại đây từ ngày 25/6 đến 20/8. Cục An toàn Hải dương Trung Quốc cũng yêu cầu tàu bè cách xa vị trí giàn khoan 2 ngàn mét.
Báo Tuổi Trẻ hôm nay dẫn các nguồn tin không nêu danh nói giới hữu trách hàng hải Việt Nam đang theo dõi sát vị trí của giàn khoan.
Vụ việc diễn ra vài tuần trước chuyến thăm đầu tiên của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tới Mỹ.
Trọng tâm chuyến công du của ông Nguyễn Phú Trọng nhằm thúc đẩy Hà Nội và Washington xích lại gần nhau trong mối quan hệ mà Bắc Kinh hết sức đề phòng.
Giàn khoan 981 tái xuất hiện giữa các mối quan ngại gia tăng trước việc Trung Quốc đang gia tốc các hoạt động xây dựng ở Biển Đông mà cả hai nước Việt-Mỹ đều phản đối.
Theo nhận định của phân tích gia Lê Hồng Hiệp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore được Reuters trích dẫn, Hà Nội lần này sẽ không phản đối mạnh như năm ngoái nếu Bắc Kinh nói giàn khoan 981 nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ đảo Hải Nam chứ không ở vị trí tranh chấp nóng như ở Hoàng Sa hồi năm ngoái.
Theo Reuters/ China's Maritime Safety Administration website