Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) nói cuộc chiến chống bệnh Ebola ở Châu Phi sẽ kéo dài và khó khăn, những ông nói đã có những dấu hiệu tiến bộ thực sự.
Nói chuyện với Đài VOA tại trụ sở chính của Trung tâm Kiểm soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ ở Atlanta, bang Georgia hôm thứ Ba, Bác sĩ Thomas Frieden nói tiến bộ bao gồm việc huấn luyện tốt hơn, hiểu biết nhiều hơn về virus, và các tập tục an toàn hơn, trong vấn đề chôn cất các nạn nhân Ebola. Bác sĩ Thomas Frieden. Sau đây là lời bác sĩ Frieden:
“Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người chúng ta đã từng du hành tới khu vực đều kinh ngạc về mức độ nghiêm trọng, và tốc độ thay đổi của tình hình. Những sự thay đổi làm tình hình xấu đi hơn là con số các ca Ebola, và sự kiện các hệ thống của chúng ta vẫn bị quá tải, nhất là ở Liberia, nhưng cũng có những thay đổi tích cực hơn. Chúng ta đã thấy một sự đáp ứng vững vàng hơn, chúng ta đã chứng kiến một cách đáp ứng có tổ chức hơn từ nhiều nước, chúng ta đã thấy hành động tập trung, và chúng ta vẫn tự tin là có thể đảo ngược được tình hình.”
Bác sĩ Frieden nói rằng không có ca bệnh mới nào tại Nigeria và vụ bộc phát tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã được kiềm chế. Ông cho hay là tại một số khu vực ở Liberia, quốc gia nơi dịch hoành hành mạnh nhất, số ca lây nhiễm mới đã giảm sút.
Quân đội Hoa Kỳ chi ra 750 triệu đôla trong vòng 6 tháng tới để chống lại bệnh Ebola ở Liberia. Hai phòng thí nghiệm y khoa lưu động đã được triển khai hồi tuần trước, và 4.000 binh sĩ Mỹ đang được điều tới khu vực.
Tướng David Rodriguez, Tư Lệnh các lực lượng Mỹ ở Châu Phi nói:
“Vấn đề có tính quyết định trong vụ này, dựa theo Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ- tức USAID” là làm sao đưa khoảng 70% những người bị lây nhiễm vào một cơ sở chữa trị. Đến lúc đó, họ tin rằng đường cong trên biểu đồ sẽ bắt đầu đi xuống. Sau đó thì dựa trên tốc độ nhanh chóng như thế nào và hiệu quả ra sao, thứ nhất, đường cong đó sẽ đi xuống, và thứ hai, cộng đồng quốc tế sẽ đảm nhận tất cả những yêu cầu. Thế cho nên chúng ta sẽ ở lại đó chừng nào chúng ta còn cần thiết, những sẽ không ở lâu hơn cần thiết.”
Ủy ban ngân sách của Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận một ngân khoản 50 triệu đôla dành riêng cho một phái bộ khẩn cấp ứng phó với Ebola, và một văn phòng của một vị đặc sứ cho tới cuối năm nay.
Liên hiệp Châu Âu loan báo hôm thứ Ba rằng khối này đang không vận các vật phẩm tiếp tế để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch Ebola tại Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Bệnh Ebola đã cướp đi khoảng 3,500 mạng sống ở Tây Phi từ khi vụ bộc phát khởi sự hồi năm ngoái. Guinea, Liberia và Sierra Leone là những nước bị tác động nặng nhất.