Nhà hoạt động Belarus đang ngồi tù Ales Byalyatski, tổ chức nhân quyền Nga Memorial và Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine cùng chia nhau giải Nobel Hòa bình năm 2022 hôm 7/10, chiến thắng làm nổi bật tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với hòa bình và dân chủ.
Giải thưởng được nhiều người coi là sự lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, khiến nó trở thành một trong những giải Nobel gây tranh cãi chính trị nhất trong nhiều thập kỷ.
“Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn tôn vinh ba nhà ủng hộ nhân quyền, dân chủ và chung sống hòa bình nổi bật ở các nước lân cận nhau là Belarus, Nga và Ukraine,” Chủ tịch ủy ban Berit Reiss-Andersen cho biết.
Bà nói với Reuters: “Không phải là một người, một tổ chức, một cách giải quyết nhanh chóng. Mà chính là sự chung tay nỗ lực của số đông mà chúng ta gọi là xã hội dân sự có thể đứng lên chống lại các nhà nước độc tài và các vi phạm nhân quyền”.
Bà kêu gọi Belarus thả tự do cho Byalyatski và nói rằng giải thưởng này không nhằm vào ông Putin.
Cảnh sát an ninh Belarus hồi tháng 7 năm ngoái đã đột kích các văn phòng và tư gia của các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền, bắt giữ Byalyatski cùng những người khác trong một cuộc đàn áp nhằm vào những người chống đối Tổng thống Lukashenko.
Nhà chức trách đã tiến đến đóng cửa các phương tiện truyền thông không phải của nhà nước và các tổ chức nhân quyền sau các cuộc biểu tình rầm rộ hồi tháng 8 năm ngoái để phản đối cuộc bầu cử tổng thống mà phe đối lập cho là gian lận.
“Ủy ban Nobel gửi thông điệp rằng các quyền tự do chính trị, nhân quyền và xã hội dân sự tích cực là một phần của hòa bình”, ông Dan Smith, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, nói với Reuters.
Giải thưởng sẽ củng cố tinh thần cho Byalyatski và giúp tăng sức mạnh của Trung tâm Tự do Dân sự, một tổ chức nhân quyền độc lập của Ukraine, vốn cũng tập trung vào chống tham nhũng, ông nói.
“Mặc dù Memorial đã bị đóng cửa ở Nga, nhưng nó vẫn tồn tại như một ý tưởng rằng chỉ trích quyền lực là đúng đắn và rằng sự thật cũng như lịch sử rất quan trọng,” ông Smith nói thêm.
Tại Geneva, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết Moscow không quan tâm đến giải thưởng này. “Chúng tôi không quan tâm đến chuyện này”, ông Gennady Gatilov nói với Reuters.
Còn tại Belarus, truyền thông nhà nước không đưa tin về giải thưởng.
Được thành lập vào năm 1989 để giúp đỡ các nạn nhân bị đàn áp chính trị dưới thời Liên Xô và thân nhân của họ, Memorial vận động cho dân chủ và dân quyền ở Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Người đồng sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Memorial là Sakharov, người đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 1975.
Memorial, tổ chức nhân quyền nổi tiếng nhất của Nga, đã nhận lệnh phải giải tán vào tháng 12 năm ngoái vì vi phạm luật yêu cầu một số nhóm xã hội dân sự phải đăng ký như đặc vụ nước ngoài.
Thành viên hội đồng của Memorial, Anke Giesen, hôm 7/10 nói rằng giành được giải Nobel là sự công nhận những đóng góp nhân quyền của tổ chức và của các đồng nghiệp tiếp tục phải chịu ‘các cuộc tấn công và trả thù không tả hết bằng lời’ ở Nga.
Giải thưởng cho Memorial là giải thưởng thứ hai liên tiếp cho một cá nhân hay đơn vị Nga, sau giải thưởng dành cho nhà báo Dmitry Muratov hồi năm ngoái, nhận cùng với nhà báo Maria Ressa của Philippines.
Giám đốc điều hành Trung tâm Tự do Dân sự Ukraine, Oleksandra Romantsova, cho biết giành được giải Nobel là ‘điều tuyệt vời’.
“Thật tuyệt, xin cảm ơn”, bà nói với thư ký của ủy ban giải thưởng, Olav Njoelstad, trong cuộc điện đàm được quay và phát sóng trên truyền hình Na Uy.
Giải thưởng trao cho Byalyatski có thể thu hút mọi người chú ý đến khoảng 1.350 tù nhân chính trị ở Belarus, chính trị gia đối lập lưu vong Sviatlana Tsikhanouskaya nói với Reuters.
“Tôi thực sự tự hào khi thấy Ales Byalyatski đoạt giải,” bà nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Ông ấy dành cả đời để bảo vệ nhân quyền ở đất nước chúng tôi”.
“Ông ấy phải ngồi tù lần thứ hai, điều này cho thấy chế độ liên tục đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền ở Belarus như thế nào”.
Diễn đàn