Đường dẫn truy cập

Gia đình Trung Quốc trả 1,2 triệu USD để chạy cho con vào trường Yale


William "Rick" Singer, người sáng lập Edge College & Career Network, rời tòa liên bang ở Boston sau khi nhận tội trước các cáo buộc trong một vụ bê bối chạy trường trên toàn quốc hôm 12/3. Ông Singer là người giúp "chạy" cho Sherry Guo vào học tại Đại học Yale.
William "Rick" Singer, người sáng lập Edge College & Career Network, rời tòa liên bang ở Boston sau khi nhận tội trước các cáo buộc trong một vụ bê bối chạy trường trên toàn quốc hôm 12/3. Ông Singer là người giúp "chạy" cho Sherry Guo vào học tại Đại học Yale.

Một gia đình người Trung Quốc đã trả 1,2 triệu USD để con gái được vào học trường Yale, một trong 8 trường đại học nằm trong hệ thống Ivy League danh tiếng nhất của Mỹ, nhưng chưa bị truy tố.

Cô con gái tên Sherry Guo từ Trung Quốc đã đến California cách đây 5 năm với ước mơ theo học một trường đại học ưu tú của Mỹ.

Luật sư của Guo không cho rằng cô vào được Đại học Yale bằng con đường chạy chọt gian lận của William "Rick" Singer, một nhà tư vấn ở Newport Beach – người đã lừa gạt các trường trong hệ thống Ivy League và các trường danh tiếng khác bằng các khoản hối lộ, các bài kiểm tra gian lận và các giải thưởng không có thật.

Nhà tư vấn này đã tạo ra một đơn xin nhập học giả mạo cho Guo, trong đó mô tả cô là một cầu thủ bóng đá xuất sắc. Đơn này được một huấn luyện viên bóng đá, người nhận hối lộ 400.000 USD, nộp cho Đại học Yale.

Khi được nhận vào học, gia đình Guo đã trả 1,2 triệu USD cho ông Singer và một tổ chức từ thiện mà ông dùng để rửa tiền hối lộ và các khoản tiền bất hợp pháp khác.

Nhưng không giống như hàng chục phụ huynh bị cuốn vào vụ bê bối tuyển sinh đại học gần đây ở Mỹ, các công tố viên liên bang đã không khởi tố cô Guo hoặc cha mẹ cô đã phạm tội khi trả cho ông Singer hơn một triệu đôla, mặc dù người chủ mưu của vụ lừa đảo đã thú nhận.

Luật sư ở Los Angeles của cô Guo, ông James Spertus, đã đưa ra một lời giải thích lạ thường về lý do tại sao họ không bị buộc tội. Ông nói rằng cha mẹ của Guo đã bỏ ra 1,2 triệu USD nhưng không có bất kỳ ý định phi pháp nào, vì họ bị lừa bởi một "người xấu" – người này đã lợi dụng các rào cản ngôn ngữ và sự không quen thuộc với hệ thống giáo dục của đại học Mỹ của họ để dụ dỗ và lừa đảo họ.

Luật sư Spertus nói rằng "các vấn đề văn hóa đã không được nói rõ" khi ông Singer yêu cầu cha mẹ Guo thanh toán. Cha mẹ cô không nói tiếng Anh và "100 phần trăm tin rằng khoản thanh toán là một khoản đóng góp từ thiện", theo vị luật sư này.

Cô Guo được đề cập đến, nhưng không được nêu tên, trong hồ sơ tòa án, trong đó nói cô là một sinh viên có gia đình đã trả cho ông Singer 1,2 triệu USD sau khi cô được nhận vào Đại học Yale vào cuối năm 2017. Các công tố viên đã không đưa ra lý do tại sao cha mẹ cô Guo không bị khởi tố.

Đầu tuần này, Los Angeles Times đưa tin rằng một gia đình Trung Quốc khác đã trả cho ông Singer 6,5 triệu USD để chạy cho con gái họ vào Đại học Stanford. Các công tố viên cũng không khởi tố cha mẹ của sinh viên được xác định là Yusi Zhao này.

Cho đến nay, 33 phụ huynh ở Mỹ đã bị buộc tội gian lận, âm mưu và rửa tiền. Một số người đã nhận tội hoặc đồng ý nhận tội, trong khi 19 phụ huynh khác đã không đồng ý nhận tội và thề sẽ bảo vệ thanh danh của họ trước tòa.

Để khởi tố ai đó lừa đảo, các công tố viên phải tin rằng họ có thể chứng minh được bị cáo có ý định cụ thể để lừa gạt người khác – trong trường hợp của sinh viên Guo, hay các sinh viên khác nộp đơn vào trường Yale, theo Michael Magner, cựu công tố viên liên bang ở New Orleans.

Nếu các công tố viên không có bằng chứng gia đình sinh viên Guo có ý định lừa gạt Đại học Yale hoặc những người nộp đơn khác khi họ trả tiền cho ông Singer, thì biện luận sẽ là họ bị lôi kéo vào âm mưu lừa đảo mà không hay biết "rất có thể là một sự biện hộ hợp lệ", theo ông Magner, hiện là luật sư biện hộ của công ty luật Jones Walker.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG