Đường dẫn truy cập

Gia đình thông tin vụ giảng viên bị công an ‘mời làm việc’ theo kiểu ‘bắt cóc’


Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Cho đến tối 28/9, sau khi Công an tỉnh Đắk Lắk lên tiếng khẳng định vụ “mời làm việc” một giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng là “theo đúng quy định của pháp luật”, thì gia đình ông nói với VOA rằng họ vẫn chưa nhận được giấy mời và không biết vì sao thân nhân của mình bị bắt.

Thông tin về vụ bắt Tiến sĩ - Võ sư Phạm Đình Quý, giảng viên khoa Khoa học thể thao của trường ĐH Tôn Đức Thắng bắt đầu được biết đến vào cuối tuần qua khi “đơn kêu cứu” của ông Phạm Đình Phú, anh trai của TS. Phạm Đình Quý, được đưa lên mạng xã hội vào ngày 25/9.

Trong đơn, ông Phú cho biết vào lúc 6 giờ chiều 23/9, khi đang đi ăn tối cùng vợ mới cưới tại khu vực gần trường ĐH Tôn Đức Thắng, TS. Phạm Đình Quý và vợ đã “bị khống chế và vây bắt do Công an Đắk Lắk thực hiện” trước sự chứng kiến của nhiều người. Tuy nhiên, ông Phú và gia đình hoàn toàn không biết thông tin cho tới khi nhận được tin báo từ các sinh viên.

Ông Phạm Đình Phú nói với VOA:

“Em dâu tôi báo là bữa đó nó cũng bị bắt, bị “mời” về làm việc chung với Quý và 4 giờ sáng nó được thả ra. Bên Công an người ta bắt em dâu tôi ký vào một tờ giấy không được tiết lộ thông tin cho người thứ ba”.

Vẫn theo lời ông Phú, sau khi bắt TS. Phạm Đình Quý, công an đã đưa vợ ông Quý trở về nhà trọ của hai vợ chồng để tiếp tục làm việc.

“Nghe em dâu kể lại là khi về nhà trọ để lấy laptop của Quý thì (công an) bắt chủ nhà trọ tắt hết camera”.

Sáng 28/9, ông Phạm Đình Phú lên công an tỉnh Đắk Lắk để hỏi thông tin liên quan đến em trai.

“Trước nhất tôi hỏi em tôi có bị tạm giam ở đây không thì các đồng chí trả lời là, ‘Có, đang bị tạm giam ở đây’ và nói có đưa cho mình một thông báo. Tôi hỏi lý do gì mà tạm giam em tôi mà gia đình tôi không biết thì (họ nói) chắc gửi về nhà theo đường bưu điện nên nó lâu”, ông Phú nói với VOA.

Ông Phạm Đình Phú cho biết ông xin được gặp em trai nhưng cơ quan công an trả lời rằng vì TS. Phạm Đình Quý đang trong quá trình điều tra nên không được phép gặp gia đình.

“Tôi hỏi về tình hình sức khoẻ thì các đồng chí nói là sức khoẻ em mình hơi yếu, hình như bị viêm xoang. Và tôi xin tiếp tế, đưa quần áo vô vì từ hôm bị bắt tới giờ chỉ có một bộ quần áo, thì các đồng chí nói để các đồng chí xem xét, hôm giờ các đồng chí cũng mua một ít quần áo cho Quý rồi”, ông Quý cho biết thêm.

Theo lời ông Phạm Đình Phú, sau khi em trai bị bắt, ông có lên trường Đại học Tôn Đức Thắng để hỏi thăm, nhưng một cán bộ hành chính cho biết nhà trường không biết thông tin gì về việc TS. Phạm Đình Quý bị bắt.

Hôm 28/9, một đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng xác nhận với VTC News về thông tin TS. Phạm Đình Quý bị công an “mời làm việc”, nhưng cho biết nhà trường “không nắm được” nguyên nhân mà chỉ biết tin thông qua báo chí.

Vụ “mời làm việc”, theo lời ông Phú nói trong “Đơn kêu cứu” xuất hiện trên mạng là “giống như một vụ bắt cóc”, đang thu hút sự chú ý của công luận.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu viết trên trang Facebook cá nhân: “Nay nghe tin mà kinh sợ, rằng Công an Đắk Lắk đã vây bắt, áp tải võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý vào lúc 18h ngày 23/9 tại địa bàn quận 7, TP.HCM trước bàn dân thiên hạ, không cáo trạng, không đọc lệnh bắt giam, để áp tải lên Đắk Lắk "làm việc", chỉ vì võ sư tiến sỹ Phạm Đình Quý và đồng nghiệp đã viết đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk về việc đạo luận án tiến sĩ”.

Vị tiến sĩ toán học nổi tiếng đặt câu hỏi rằng liệu “đất nước có còn quốc pháp” khi công an tham gia vào vụ án dân sự về việc kiện tụng giữa Võ sư- TS. Phạm Đình Quý và ông Bùi Văn Cường. Ông kêu gọi Quốc hội Việt Nam “không làm ngơ” trước vụ việc này.

Lên tiếng trước báo giới chiều 28/9, công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định việc bắt TS. Phạm Đình Quý là “theo đúng quy định của pháp luật”.

Ngoài TS. Phạm Đình Quý, còn có một người khác là đảng viên Hoàng Minh Tuấn bị bắt. Cả hai đều là những người công khai tố cáo ông Bùi Văn Cường “đạo luận văn tiến sĩ”.

Trung tá Nguyễn Trọng Hữu, cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát Hình sự của Công an tỉnh Đắk Lắk, hôm 28/9 nói rằng việc “mời” ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Minh Tuấn về làm việc “vì có liên quan đến vụ án vu khống” theo điều 156 Bộ Luật Hình sự, và vụ án này đã được khởi tố vào ngày 19/9.

“Hiện nay trên mạng cũng xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt, tuy nhiên Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ có thể thông tin đã khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra”, báo Tuổi Trẻ dân lời Trung tá Nguyễn Trọng Hữu nói.

Tin cho hay TS. Phạm Đình Quý sinh năm 1981. Ông xuất thân từ một gia đình có truyền thống võ thuật. Trước khi trở thành giảng viên của Đại học Tôn Đức Thắng, ông từng đoạt nhiều giải thưởng. Năm 13 tuổi, ông đoạt giải vô địch thi quyền quốc gia. Năm 2004, ông đoạt huy chương vàng hạng cân 51kg giải vô địch toàn quốc.

Năm 2007, ông Phạm Đình Quý trở thành giảng viên võ cổ truyền tại ĐH Thể dục Thể thao TP HCM. Năm 2010, ông bảo vệ luận án Thạc sỹ tại Đài Loan và năm 2015 nhận được bằng Tiến sĩ Võ học tại Trung Quốc.

Gia đình TS. Phạm Đình Quý cho VOA biết hiện họ đã nhờ luật sư tư vấn và làm đơn kêu cứu gửi lên các cơ quan trung ương và báo đài.

VOA Express

XS
SM
MD
LG