Đường dẫn truy cập

Giới khoa học khởi sự hiểu được nhiều vấn đề do COVID-19 gây ra


Ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Northwestern Memorial ở Chicago.
Ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Northwestern Memorial ở Chicago.

Các nhà khoa học chỉ bắt đầu nắm bắt được một loạt vấn đề về y tế do virus corona gây ra, trong đó một số có thể có những ảnh hưởng lâu dài lên bệnh nhân và hệ thống y tế trong những năm tới, theo các bác sĩ và các chuyên gia bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh những vấn đề về hô hấp, làm bệnh nhân khó thở, virus gây bệnh COVID-19 còn tấn công nhiều hệ thống nội tạng, trong một số trường hợp gây nên những tổn hại nghiêm trọng.

“Chúng tôi nghĩ đây chẳng qua là virus đường hô hấp. Nhưng hóa ra virus tấn công lá lách, tim, gan, óc, thận và những bộ phận khác. Lúc đầu chúng tôi không biết những chuyện này,” bác sĩ tim mạch Eric Topol, giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, nói.

Thêm vào những xáo trộn về đường hô hấp, bệnh nhân COVID-19 có thể bị rối loạn máu đóng cục có thể đưa đến đột quị, và nhiễm trùng nặng tấn công nhiều hệ thống nội tạng. Virus cũng có thể gây nên biến chứng thần kinh từ nhức đầu, chóng mặt và từ mất vị giác, khứu giác cho đến kinh phong và rối loạn.

Và việc bình phục có thể chậm, không hoàn toàn 100% và tốn kém, với ảnh hưởng to lớn về chất lượng cuộc sống.

Biểu hiện rộng rãi và đa dạng của COVID-19 là độc nhất vô nhị, bác sĩ Sadiya Khan, chuyên gia về tim tại Bệnh viện Northwestern Medicine ở Chicago nói.

Với bệnh cúm, những người có tiền sử bệnh tim cũng có nguy cơ cao về những phản ứng phụ, bác sĩ Khan nói. Điều ngạc nhiên về virus này là phạm vi của những phản ứng phụ xảy ra bên ngoài phổi.

Bác sĩ Khan tin là sẽ có một chi phí khổng lồ về chăm sóc sức khỏe và gánh nặng cho những cá nhân sống sót từ COVID-19.

Hồi phục chức năng kéo dài

Bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt hay thở bằng máy trong nhiều tuần sẽ cần nhiều thời gian trong các trung tâm phục hồi để lấy lại sự linh động và sức mạnh.

“Có thể mất đến 7 ngày đối với một ngày nằm trong bệnh viện để phục hồi lại sức mạnh như thế,” bác sĩ Khan nói. “Càng khó khăn hơn cho những người lớn tuổi, và bạn có thể không trở lại mức hoạt động như cũ.”

Trong khi chú trọng nhiều đến thiểu số bệnh nhân bị bệnh nặng, các bác sĩ ngày càng nhìn vào nhu cầu của những bệnh nhân không bị bệnh nặng lắm để phải nhập viện, nhưng vẫn phải đau đớn trong nhiều tháng sau khi bị lây nhiễm.

Các cuộc nghiên cứu đang tiến hành để hiểu được hậu quả lâu dài của lây nhiễm, ông Jay Butler, phó giám đốc các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ nói với các phóng viên trong cuộc họp báo bằng điện thoại ngày 25/6.

“Chúng tôi nghe những phúc trình không đầy đủ về những người bị mệt kéo dài, khó thở,” ông Butler nói. “Khó nói được việc này kéo dài bao lâu.”

Trong khi triệu chứng của virus corona thường giải quyết trong hai hay ba tuần, nhưng ước tính cứ 10 người thì có 1 người có những triệu chứng kéo dài, bác sĩ Helen Salisbury thuộc Trường đại học Oxford viết trên British Medical Journal vào ngày 23/6.

Bác sĩ Salisbury nói nhiều bệnh nhân của bà có hình chụp phổi bình thường, và không có triệu chứng nhiễm trùng, nhưng họ vẫn chưa trở lại bình thường.

“Nếu trước đây bạn chạy 5.000 mét ba lần một tuần nhưng hiện bạn cảm thấy khó thở khi đi lên cầu thang, hay nếu bạn ho liên tục và quá mệt mỏi để trở lại làm việc, rồi lo sợ rằng bạn không bao giờ lấy lại sức khỏe được như trước là việc rất thực,” bà viết.

Bác sĩ Igor Koralnik, trưởng khoa các bệnh nhiễm trùng thần kinh tại Northwestern Medicine, duyệt xét lại những bài viết khoa học hiện hành và phát hiện là một nửa bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 bị rối loạn thần kinh, như chóng mặt, giảm mức tỉnh táo, khó tập trung, rối loạn khứu giác và thị giác, động kinh, đột quị, yếu và đau bắp thịt.

Phát hiện của bác sĩ Koralnik được đăng trên Annals of Neurology. Bác sĩ Koralnik đã bắt đầu chữa bệnh ngoài bệnh viện cho các bệnh nhân COVID-19 để nghiên cứu xem những vấn đề thần kinh này là tạm thời hay thường xuyên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG