Qua khỏi Sacramento, thủ phủ của California, rong ruổi xe trên xa lộ xuyên bang số 5 hướng về phía bắc, tôi bắt đầu một cuộc tranh luận với chính mình như ở mỗi cuộc hành trình ngược bắc hay xuôi nam, về việc nên cứ thẳng đường số 5 qua biên giới vào tiểu bang Oregon, hay cắt ngang bằng liên lộ số 20 về hướng tây và bắt qua xa lộ 101 dọc theo bờ biển Thái Bình Dương.
Bây giờ là đầu tháng 3, cuối đông, chắc mấy ngọn núi trên đường số 5 tuyết cũng đã tan, đường đi không tới nỗi nào, mặc dù trời bắt đầu đổ mưa, song là mưa xuân, chắc không sao. Tới gần liên lộ 20, qua tỉnh Williams, một tỉnh nhỏ với trên 3,500 dân và là một thứ "traveler's city", tôi bỗng nổi hứng, quyết định đi sang hướng tây để về nhà ở Oregon bằng ngả 101, vì con đường này sẽ đưa tôi đi xuyên qua một số rừng redwood lúc nào cũng mê hoặc tôi được -- tôi nhớ rừng redwood, thèm nhìn lại những cây cổ thụ cao sừng sững khiến mình không tránh khỏi ... hướng thượng.
Không dè đó là một quyết định hay, vì ngoài cái thú được thưởng thức cảnh rừng cây cổ thụ dọc đường 101, tôi có một cái "lời" nữa, đó là được ngắm thêm cảnh những vườn cây ăn trái đang độ đơm bông dọc theo đường 20, với đây đó những hộp tổ ong sơn mầu trắng nằm rải rác đó đây để giúp hoa đơm trái. Làm nhớ hồi còn làm phóng viên cho một tờ báo ở Placerville có đi làm một cái phóng sự về một ông sống bằng nghề nuôi ong. Ngoài việc lấy mật, cứ vào độ tháng Giêng là ông chở những hộp tổ ong này tới các trại trồng cây ăn trái cho thuê.
Bên dưới là một số hình ảnh dọc đường cuộc hành trình vừa qua của tôi.
Rừng cây ăn trái vào mùa xuân dọc đường 20 nối xa lộ xuyên bang số 5 và 101 tại Williams, California, với đó đây là những hộp tổ ong. Nhiệm vụ của những con ong này là bay đi hút nhụy hoa, và trong khi chuyền từ cây này sang cây khác, chúng cũng đồng thời giúp cho hoa đơm trái. Thường các chủ vườn mướn những hộp tổ ong này từ các nhà chuyên môn nuôi ong bắt đầu vào khoảng tháng Giêng mỗi năm. (Ảnh Trùng Dương, 03/2010)
Avenue of the Giants là con đường dài 31 miles, nằm song song với xa lộ 101, ở phía nam của thành phố Eureka, Bắc California. Xa lộ liên bang 101 quãng từ tỉnh Willits tới biên giới Oregon được mệnh danh là “redwood highway” vì đường xuyên qua nhiều cụm rừng cấy redwood, loại cây cao nhất thế giới, nổi tiếng là khó bị cháy và bị bệnh do các côn trùng gấy ra, chỉ mọc ở ven biển ở Bắc California. Vào đầu thập niên 1990, khi Pacific Lumber Company định cắt một cây redwood cao 180 feet (55m), khoảng 1,500 tuổi mọc trên đất thuộc sở hữu của họ cũng ở vùng Bắc California, cô Julia Hill, một nhà tranh đấu cho môi sinh, đã leo lên cây đó đóng đô cả thảy 738 ngày, từ ngày 10 tháng 12, 1997 đến ngày 18 tháng 12, 1999, để ngăn không cho thợ rừng đốn cây. Và cô Hill đã thành công sau khi nhóm môi sinh của cô thỏa thuận nạp cho Pacific 50,000 Mỹ kim để “mua” cây đó. (Ảnh Trùng Dương, 03/2010)
Mải mê trong rừng redwood, khi vào tới Oregon, trời đã tối, nên mặc dù đi dọc theo bờ biển, nhưng tôi không thấy biển. Hẹn bạn đọc một dịp kể chuyện bằng hình khác vậy ... (TD, 03/2010)