Đường dẫn truy cập

Bảo tồn ngôi làng chứng tích thống nhất nước Đức


Du khách chụp ảnh cả 2 bên bức tường phân chia Ðông Ðức Tây Ðức trong ngôi làng Moedlareuth
Du khách chụp ảnh cả 2 bên bức tường phân chia Ðông Ðức Tây Ðức trong ngôi làng Moedlareuth

Chủ nhật 3 tháng 10, nước Đức kỷ niệm 20 năm thống nhất, và có lẽ không nơi nào trên nước Đức người ta có những cảm nhận sâu sắc về Bức Màn Sắt cho bằng dân làng Moedlareuth.

Làng Moedlareuth lẽ ra cũng giống như bao nhiêu làng khác của Đức, nhưng lịch sử đã chọn cho nó một con đường không giống ai.

Khi Đức bị chia cắt sau Thế Chiến 2, đường cắt đã chạy ngang qua ngôi làng chỉ có 50 dân này. Ban đầu chỉ có hàng rào kẽm gai, kế tiếp là một bức tường, chặt ngôi làng thành hai phần Đông Tây trong vòng 40 năm. Có trường hợp gia đình người anh thuộc về Tây Đức, gia đình người em thuộc chế độ cộng sản.

Ngày nay, mỗi năm có hơn 60.000 du khách đến thăm ngôi làng đặc biệt này. Họ đến để xem một viện bảo tàng lộ thiên, gồm những chòi canh bây giờ không còn lính canh, và hàng rào đã từng phân chia những người họ hàng với nhau.

Ngay khi bức tường Berlin sụp đổ và trước khi nước Đức chính thức tuyên bố thống nhất, một nhà làm phim Tây Đức và chính quyền địa phương thuyết phục dân làng hãy bảo tồn ngôi làng để làm chứng tích của sự phân chia, giúp mọi người đừng quên một chương sử đau buồn của nước Đức. Du khách người Đức Leo Weiss 66 tuổi cho biết:

“Tôi có nghe nói về làng, nhưng phải đến tận nơi mới thấy thấm thía. Nó làm tôi xúc động đến độ không thể diễn tả bằng lời.”

Ngoài viện bảo tàng lộ thiên còn có một viện bảo tàng có mái che, trưng bày những tư liệu và hiện vật của thời kỳ qua phân. Du khách người Mỹ Amy Ladd cho biết:

“Tôi không thể tưởng tượng nổi tôi sẽ phản ứng ra sao khi mới chỉ đêm trước đêm sau, người ta ra lệnh cho tôi không được qua nhà người quen ở cách đó không bao nhiêu bước.”

Terry Green, một du khách người Mỹ khác nhận xét:

“Thống nhất là điều tốt cho nhân dân Đức. Trước ngày thống nhất, nhân dân Đông Đức sống chẳng xứng đáng cuộc sống của một con người, bây giờ thì họ được hưởng một số lợi ích của văn minh phương Tây.”

Du khách người Đức Berg Ozminski nói:

“Bây giờ thì không còn phân biệt giữa Đông và Tây, ví dụ những người trẻ được giáo dục y như nhau. Nếu bạn hỏi tôi mục tiêu thống nhất đã hoàn thành chưa, thì tôi bảo là đã.”

Quản lý viện bảo tàng, ông Robert Lebergern bảo cách đây 20 năm, thống nhất nước Đức không cần súng đạn là cả một thách thức, một chuyện mà trên thế giới chưa hề có nước nào làm được:

“Trong 40 năm, hai bên có những chế độ chính trị, kinh tế, xã hội trái ngược, và dĩ nhiên là có những hậu quả kinh tế do mấy mươi năm sống dưới xã hội chủ nghĩa và áp dụng kinh tế có kế hoạch của xã hội chủ nghĩa.”

Vào lúc sắp sửa kỷ niệm 20 năm thống nhất, nhiều người nhìn lại tiến trình thống nhất, và có người nêu câu hỏi phải chăng lối sống của phương Tây đã được áp dụng quá nhanh cho miền Đông.

Cả hai miền đều có những bất mãn riêng. Mức thất nghiệp ở bên Đông bỏ xa bên Tây. Nhiều người bên Tây kêu ca họ phải nai lưng ra đóng thuế để vực dậy miền Đông.

Nhà sử học Juliane Schutterle nói những người hay kêu ca ở bên Tây dường như đã xem nhẹ một điều cực kỳ quan trọng:

“Họ lúc nào cũng nghĩ: chúng tôi cứ phải đóng hết sắc thuế này đến sắc thuế khác để bên Đông có xa lộ, có nhà cao tầng hiện đại và cơ sở hạ tầng hiện đại. Nhưng họ quên một điều là họ đã giúp mang lại tự do cho bên Đông, đó là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, và họ đã hoàn thành được.”

Nhiều người Đức tin rằng tiến trình thống nhất đã gần như hoàn thành và kêu gọi mọi người hãy ngưng phân biệt giữa Đông và Tây.

Ngôi làng Moedlareuth, trước đây còn được gọi là Berlin Nhỏ, là bằng chứng cho thấy trước đây nước Đức chia rẽ như thế nào và bây giờ đã tiến xa như thế nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG