Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm đáng thất vọng trong ba tháng đầu năm nay, nhưng số liệu mới cho thấy nó không đến mức tệ như suy dự đoán ban đầu.
Bộ Thương mại hôm thứ Sáu cho hay tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 0,8 phần trăm trong quý đầu tiên. Mức tăng này cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng mà những nhà kinh tế của chính phủ đã ước tính trước đó trong năm nay, nhưng vẫn cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chậm.
Những chuyên gia thường xuyên điều chỉnh ước tính tăng trưởng lúc đầu của họ khi có số liệu hoàn chỉnh hơn.
Tỉ lệ GDP đươc điều chỉnh lên vào ngày thứ Sáu cho thấy thị trường nhà đất mạnh hơn cũng như việc những doanh nghiệp nỗ lực nhiều hơn tích trữ hàng hóa để bán.
Nền kinh tế Mỹ vẫn bị tổn hại do đồng đôla mạnh, nghĩa là những sản phẩm sản xuất tại Mỹ có giá đắt hơn trên thị trường toàn cầu. Nhu cầu yếu ở nước ngoài cũng gây hại cho xuất khẩu, và do đó làm chậm lại tăng trưởng kinh tế ở Mỹ.
Những nhà kinh tế sẽ nhận được nhiều thông tin về sức khỏe của nền kinh tế vào thứ Sáu tuần sau khi tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 5 sẽ được công bố. Tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 4 là năm phần trăm.
Nhìn xa hơn một chút vào tương lai, những chuyên gia cũng sẽ theo dõi một cuộc họp của những quan chức hàng đầu của ngân hàng trung ương Mỹ vào ngày 15 tháng 6 - một phiên họp mà trong đó những thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang có thể tăng lãi suất chính hoặc không.
Lãi suất vẫn ở mức thấp bất thường sau khi được cắt giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sự hồi phục ì ạch và không đồng đều của nền kinh tế đã khơi lên những cuộc tranh luận trong giới chuyên gia về việc lãi suất sẽ tăng lên sớm cỡ nào, và tăng lên bao nhiêu. Nâng lãi suất quá sớm có thể khiến nền kinh tế rơi trở lại vào suy thoái và thu hẹp. Chờ đợi quá lâu để tăng lãi suất mang theo nguy cơ lạm phát có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.