Một trong những đường cứu sinh chính về kinh tế là đường hầm chuyển hàng lậu, cách mặt đất 20 mét, chạy dài khoảng 200 mét từ dải Gaza đến Ai Cập.
Chủ yếu đường hầm này dùng để chuyển lậu xi măng và sỏi đá và một số hàng tiêu dùng. Nhiều đường hầm có điện và hệ thống thông tin. Một số có cả đừơng xe lửa. Một số ít đủ rộng đến lái một chiếc xe qua đường hầm.
Đối với những công nhân xây dựng đường hầm, điều kiện thật khắc nghiệt. Những người này làm việc theo ca, mỗi ca 12 giờ đồng hồ. Trang cụ hư hỏng là chuyện thường tình cũng như những vụ sụp hầm đôi khi gây tử vong.
Có hàng trăm đường hầm chuyển hàng như vậy. Nhà cầm quyền Ai Cập làm ngơ cho việc chuyển vận hàng hóa qua đường hầm.
Lực lượng an ninh Israel trú đóng cách xa một vài kilômét cũng làm như vậy, dù rằng họ lo ngại một số đường hầm được dùng để tiếp tế vũ khí và chất nổ cho những phần tử chủ chiến người Palestine tại Gaza.
Israel cho phép một số hàng hóa được chuyển hợp pháp trên bộ qua vùng này. Chính phủ đã gỡ bỏ một phần việc ngăn chặn sau khi phong trào chủ chiến Hamas lên cầm quyền tại Gaza. Israel xem Hamas như một tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên hầu hết các hàng hóa được chuyển qua các đường hầm. Những hàng hóa này giúp cho việc xây dựng phát triển tại Gaza, nơi mức cầu rất cao vì 5 năm bị phong tỏa.
Các nhà kinh tế nói đường hầm làm cho kinh tế Gaza tăng tiến, và nhà cầm quyền Palestine cho biết kinh tế vùng này tăng 30% trong 3 tháng cuối năm ngoái. Tuy nhiên nhà phân tích Sami Abdul-Shafi cư ngụ tại Gaza nói những con số này sai lạc.
Ông Abdul-Shafi nói: “Chúng ta ở một vị thế từ một nền kinh tế gần con số không. Do đó bất cứ một sự tăng tiến nào quá số không được xem như là con số cộng nhưng căn bản vẫn là số không. Do đó tôi nghĩ phải mất một thời gian dài nữa.”
Hamas muốn Ai Cập mở lại cửa khẩu Rafah cho mậu dịch và hợp thức hóa quan hệ thương mại. Cairo từ chối trừ những trường hợp khẩn cấp mới được phép qua cửa khẩu này vì Ai Cập muốn Israel tiếp tục bị xem là chịu trách nhiệm đối với những thống khổ tại Gaza.
Ông Ismail Radwan, phát ngôn viên của Hamas nói mối quan hệ với Ai Cập đã được cải thiện kể từ khi cuộc cách mạng đưa những đảng Hồi Giáo có cảm tình với Hamas lên nắm quyền tại Quốc hội. Ông hy vọng những đảng này sẽ làm giảm bớt những thống khổ tại Gaza.
Ông Ismail Radwan nói: “Chúng tôi hy vọng nước Ai Cập anh em sẽ phá vỡ cuộc phong tỏa và giúp người dân Palestine. Chắc chắn là mối quan hệ với Ai Cập đang tiến triển theo chiều hướng tích cực.”
Tuy nhiên, vào lúc này thiếu dầu và điện làm ngưng trệ hầu hết các hoạt động kinh tế tại Gaza gây nên ô nhiễm nguồn nước và làm tê liệt những dịch vụ như xe cứu thương, bệnh viện và trường học. Nếu không có những đường hầm, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Vào lúc người dân Gaza vất vả vì bị Israel ngăn chận việc buôn bán, một cách thay thế đang thịnh hành đưa ra một ý nghĩa mới cho từ “kinh tế chui dưới mặt đất”. Một số hàng hóa đến được Gaza, nhờ những đường hầm chuyển lậu được đào dưới mặt đất giáp ranh với Ai Cập.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1