Đường dẫn truy cập

Gặp gỡ trên facebook


Cuối cùng, tôi cũng bị mắc lưới facebook.

Nói cuối cùng, vì đã năm bảy năm nay, tôi cố gắng khoanh tay đứng ở ngoài. Kính nhi viễn chi.

Đọc báo, tôi biết không có mạng lưới truyền thông đại chúng nào phát triển nhanh như facebook. Chỉ ra đời mới có 10 năm, đến đầu năm nay, mỗi tháng đã có 1.23 tỉ người, tức một phần sáu dân số thế giới, sử dụng facebook. Riêng ở Mỹ, số người sử dụng facebook lên đến 71% tổng số người trưởng thành.

Ở Việt Nam, theo báo Nhân Dân vào đầu tháng 2 vừa rồi, có 19.6 triệu người sử dụng facebook, chiếm 74.1% số người dùng internet và 20% dân số cả nước.

Có thể nói, trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một phương tiện truyền thông đại chúng nào lan rộng một cách nhanh chóng như vậy. Báo chí, dưới hình thức in, mất cả mấy trăm năm mới đến được, phần nào, những tầng lớp bình dân. Cả radio lẫn ti vi đều mất trên dưới nửa thế kỷ mới thực sự được đại chúng hóa, đặc biệt, ở các nước nghèo. Hơn nữa, cái gọi là mạng lưới ở tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống ấy chỉ có ý nghĩa rất giới hạn, chủ yếu, giữa những người sản xuất. Quần chúng, từ độc giả đến khán giả và thính giả, lúc nào cũng chỉ là những kẻ tiêu thụ thụ động và xa cách. Họ, dù đông đảo đến mấy, vẫn đứng ngoài. Sự tương tác, nếu có, cũng thật họa hoằn. Facebook thì khác. Nó đúng là một mạng lưới buộc mọi người lại với nhau. Ai cũng có quyền lên tiếng. Mọi người đều bình đẳng như nhau. Chỉ có một khác biệt ở phạm vi: người được nghe nhiều, người được nghe ít. Vậy thôi.


Mà không cần đọc báo, chỉ cần lắng nghe bạn bè tán gẫu trong các buổi nhậu nhẹt, tôi cũng biết được là facebook phổ biến đến độ nào. Hầu như ai cũng vào facebook. Một số người ăn dầm ở dề trên facebook. Đề tài các câu chuyện của họ phần lớn châu tuần chung quanh facebook. Niềm vui và nỗi giận của họ nảy sinh từ facebook. Bạn bè của họ, những kẻ họ thường tâm sự và lắng nghe tâm sự, cũng đến từ facebook. Nghe, tôi vừa thèm thuồng vừa sợ hãi. Thèm thuồng trước cái thế giới mênh mông của họ. Sợ hãi vì số thời gian trong ngày họ bỏ ra cho facebook. Bởi vậy, suốt cả mấy năm, facebook, với tôi, vừa là một sự quyến rũ lại vừa là một đe dọa. Tôi biết tôi không có nhiều thì giờ để phây bút phây biếc. Tôi cũng biết tính tôi không thích đàn đúm, ngay trong đời thật, đừng nói gì trong thế giới ảo. Những lúc ấy, bạn bè thường xúi tôi vào facebook. Tôi đều từ chối.

Vậy mà, cuối cùng, cách đây một tuần, tôi lại xiêu lòng. Cũng mở trang facebook riêng. Cũng post bài này bài nọ. Cũng kết bạn kết bè và cũng lao xao “like” với người này người khác. Hơi chút thẹn thùng, tôi dùng hai câu thơ của Trần Lê Kỷ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 để phân bua: “Thấy ai ai ta cũng ai ai / Ai ai ấy thì ta cũng… ấy”.

“Ấy” trên facebook, tôi có niềm vui là được gặp gỡ rất nhiều bạn bè. Trước, tôi chỉ có một số bạn, chủ yếu thuộc hai giới: các nhà văn/nhà thơ và các nhà giáo, hai lãnh vực sinh hoạt chính trong đời sống của tôi. Trong cả hai giới, tôi biết nhiều nhưng để gọi được là thân thì lại rất ít. Thực sự tâm sự được, chỉ có vài người. Trên facebook thì khác. Không những có bạn mà còn có bạn của bạn rồi bạn của bạn của bạn, v.v… Rất nhiều người, được gọi là bạn trên facebook nhưng tôi chưa bao giờ gặp, chưa bao giờ nghe tên. Nhưng tôi lại có thể THẤY được họ. Không phải là thấy mặt mũi hay dáng dấp hay quần áo và nhà cửa của họ. Mà là thấy được tính cách và phần nào tâm tư của họ. Chỉ cần vào trang facebook của từng người, qua những gì được họ đăng tải hay bình luận, chúng ta cũng có thể thấy được người ấy thích gì, thường quan tâm đến vấn đề gì; nếu những vấn đề ấy liên qua đến chính trị, chúng ta cũng thấy được khuynh hướng cũng như trình độ và mức độ nhận thức của họ ra sao, v.v… Ngay với những người tôi quen biết ngoài đời, khi vào facebook, có cảm giác như họ là kẻ khác. Ngoài đời, họ hiền lành, khiêm tốn, nhỏ nhẹ bao nhiêu, trên facebook, họ dí dỏm, hoạt ngôn, xông xáo trong các cuộc tranh luận bấy nhiêu.

Nhưng thích nhất trên facebook là được gặp lại những người quen và những người thân.

Quen, phần lớn là bạn học cũ và bạn cùng làng ngày xưa. Bạn học cũ, từ tiểu học và trung học của tôi, đều ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Sau năm 1975, vào Sài Gòn, tôi mất liên lạc với tất cả. Bạn học ở đại học, hầu hết đều ở Sài Gòn, sau ngày tôi vượt biên, qua Pháp rồi sang Úc, cũng dần dần bặt tăm. Bây giờ, qua facebook, tôi mới được gặp lại một số. Nhìn hình, thấy ai cũng già và lạ hoắc, hầu như không thể nhận ra được. Nhưng qua họ, bao nhiêu kỷ niệm hồi nhỏ lại sống dậy và ùa về, nườm nượp. Tự dưng thấy bâng khuâng. Và hình như có chút nhớ nhung. Chả nhớ ai cụ thể cả. Chỉ nhớ. Hay nói như Xuân Diệu, “biết nhớ ai đành chỉ nhớ xa xôi”.

Người thân, nhiều nhất là trong gia đình và họ hàng. Đã gần 10 năm nay, tôi không được về Việt Nam, ngay với anh em ruột, cũng không được gặp gỡ. Lâu, thật họa hoằn, mới điện thoại hay email cho nhau. Cũng lâu, thật lâu, mới gửi cho nhau vài bức ảnh. Thì cũng hình dung được ít nhiều cuộc sống của nhau. Nhưng chỉ khi vào facebook, tôi mới thực sự THẤY các em tôi. Thấy được mặt mũi. Thấy được các sinh hoạt. Thấy được các suy nghĩ. Thấy được các tác phẩm chúng đã hoàn tất. Và thấy cả bạn bè của chúng.

Có thể nói, trên facebook, người ta không những gặp nhau mà còn thấy được nhau. Cái gọi là tình bạn trên facebook, do đó, vừa ảo vừa thật. Hơn nữa, có khi còn thật hơn cả thật.

Xưa, bạn bè chỉ giới hạn trong một không gian nhất định: bạn cùng làng, cùng lớp, cùng trường, cùng sở. Tất cả đều gắn liền với một địa điểm. Từ đời sống nông thôn đến đời sống thành thị, khái niệm địa điểm ấy thay đổi chút xíu: ở nông thôn, địa điểm ấy thường gắn liền với các đơn vị hành chính: làng, xã, huyện, và, hiếm hơn, tỉnh; ở thành thị, địa điểm ấy thường gắn liền với các đơn vị nghề nghiệp: chợ, công sở hay công ty. Nhưng tất cả những sự gần gũi ấy chưa chắc đã giúp người ta thấy được nhau một cách trọn vẹn. Thường, chỉ một góc. Có khi chỉ là một góc thật nhỏ. Trên facebook, tính cách của người ta hiện ra rõ nét hơn. Dường như, cho đó là một thế giới ảo, nhiều người rất thành thực trong việc khoe khoang cũng như giãi bày tâm sự. Bất kể nội dung hay mức độ của sự khoe khoang hay giãi bày ấy thế nào, riêng sự thành thực như vậy đã đáng quý. Thành thực đến mức quên cả ý niệm về sự riêng tư.

Cũng có thể nói, facebook dần dần làm thay đổi quan hệ cá nhân giữa người và người. Theo Pew Research Center, khoảng một nửa những người sử dụng facebook có trên 200 bạn.

Trời, với những người ngoại đạo của facebook, nghe con số ấy, hẳn không khỏi kinh ngạc. Bạn ở đâu mà lắm thế? Giới hạn trong không gian và địa điểm, bạn, theo nghĩa truyền thống, cả đời dồn lại may lắm mới được vài chục người. Bây giờ, người ta có cả hàng trăm người; một số, có cả hàng ngàn người. Con số ấy sẽ trở thành một lực lượng đáng kể. Trước hết, lực lượng cho giới làm thương mại: đó là đối tượng để người ta quảng cáo và là một trong những nguồn lợi lớn, cực lớn cho người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg. Dĩ nhiên, nó cũng là một lực lượng rất có ý nghĩa cho các thay đổi về chính trị và xã hội. Cuộc cách mạng tại Trung Đông và Bắc Phi cách đây mấy năm là một ví dụ.

Nhiều người đã thấy điều đó. Dĩ nhiên công an Việt Nam cũng thấy. Bởi vậy, trong cái đám bạn bè đông đúc trên facebook, chắc là có khá nhiều công an giả dạng để theo dõi và quấy rối. Chán.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG