Đường dẫn truy cập

ILO: Số lao động trẻ em nhiều nhất là ở Châu Á


Trẻ em khiêng đá tại một bến cảng ở Yangon, Miến Ðiện. Các em kiếm được 3.000 Myanmar Kyat (khoảng 3,5 đô la Mỹ) sau khi bốc dỡ 300 rổ đá lên tàu.
Trẻ em khiêng đá tại một bến cảng ở Yangon, Miến Ðiện. Các em kiếm được 3.000 Myanmar Kyat (khoảng 3,5 đô la Mỹ) sau khi bốc dỡ 300 rổ đá lên tàu.
Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc báo cáo có tiến bộ trong việc giảm thiểu số trẻ em làm việc trong các điều kiện nguy hiểm và bất hợp pháp, một phần nhờ các nỗ lực của các chính phủ nhằm giải quyết vấn đề. Khoảng 168 triệu trẻ em trên khắp thế giới vẫn còn làm công việc lao động, gần phân nửa số em này ở châu Á. Thông tín viên VOA Ron Corben tại Bangkok ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tổ chức Lao động Quốc tế ILO nói trong số 168 triệu trẻ em trên toàn cầu làm công việc lao động, 77 triệu là ở các nước châu Á Thái Bình Dương.

Trong số đó, ILO nói có hơn 34 triệu em tham gia công việc nguy hiểm gây nguy cơ trực tiếp cho sức khỏe, sự an toàn và phát triển đạo đức của các em.

Bà Simrin Singh, một chuyên gia về lao động trẻ em của ILO nói nông nghiệp là thủ phạm chính vì các trẻ làm nghề nông có thể phải tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm và lao động tay chân. Nhưng càng ngày càng có nhiều trẻ em thuộc các nước có thu nhập trung bình cũng làm công việc thiếu an toàn trong các công nghiệp sản xuất và dịch vụ.

“Nông nghiệp vẫn là thủ phạm lớn nhất nơi ta thấy công việc nguy hiểm nhưng cũng có mức độ cao trong khu vực sản xuất và dịch vụ; song nông nghiệp chiếm số cao nhất trong lao động trẻ em.”

Ở Lào, có 90 phần trăm lao động trẻ em trong ngành nông nghiệp, trong khi ở Indonesia có mức thu nhập trung bình con số vào khoảng 55 phần trăm trong ngành nông nghiệp, và 30 phần trăm trong khu vực dịch vụ.

Nhưng đã có tiến bộ. Trên toàn cầu, có gần 78 triệu trẻ em lao động ít hơn trong năm 2012 so với lúc các nhà nghiên cứu bắt đầu theo dõi vào năm 2000. Con số các em gái làm lao động trẻ em sụt 40 phần trăm trong khoảng thời gian này. Số các em trai sụt 25 phần trăm. Nhưng bản phúc trình nói tiến bộ này vẫn còn rất mong manh.

Bà Singh nói vùng châu Á Thái Bình dương vẫn chưa đạt được các mục diệt trừ nạn lao động trẻ em với nhiều em làm lao động “không thấy được” khi làm người giúp việc nhà trong các hộ dân.

“Tại châu Á cũng vậy nhiều nơi trẻ em làm lao động vẫn bị che giấu. Một số hình thức lao động trẻ em chưa được ghi nhận tốt - chẳng hạn như làm việc nhà, trẻ em làm việc này thường không thấy được nơi công cộng.”

Bà Singh nói các yếu tố tích cực đã hỗ trợ cho sự tiến bộ, trong đó có nhận thức và chính sách tốt hơn của chính phủ. Theo bà, Indonesia, Philippin cũng như Ấn Ðộ và Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp thực thi các kế hoạch bảo vệ xã hội đáng kể.

Nhưng bà Singh nói nỗi lo ngại chính của bà về tiến bộ trong tương lai là sự tự mãn của chính phủ.

“Tôi thực sự rất lo ngại về vấn đề tự mãn này bởi vì đây là điều nhất thiết không nên có. Chúng ta sẽ không đạt được chỉ tiêu năm 2016 - thực ra có lẽ chúng ta còn không đạt được chỉ tiêu thậm chí 4 năm trễ hơn, tức là năm 2020.”

ILO nói diệt trừ nạn lao động trẻ em đòi hỏi một đường lối pháp lý và xã hội cải thiện sự tiếp cận của trẻ đối với giáo dục, tăng cường bảo vệ xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương, và các biện pháp cải cách thị trường lao động để bảo đảm lương hướng và bảo vệ công nhân tốt hơn.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG