Phát biểu tại một cuộc họp báo, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh G8 - Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - nói rằng sự thành công của cuộc cách mạng của người dân ở Tunisia và Ai Cập là điều vô cùng quan trọng. Ông nói rằng vận động “những khoản viện trợ đáng kể” là một trong những mục tiêu trọng tâm của cuộc hội nghị G8 ở Deauville.
Ông Sarkozy cũng khen ngợi bài phát biểu quan trọng về Trung Đông của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là dũng cảm và nêu điển hình lời kêu gọi của Tổng thống Obama đối với một hiệp định hòa bình giữa Israel và Palestin dựa trên các lằn ranh biên giới đã có trước cuộc Chiến tranh Sáu ngày hồi năm 1967.
Ông Sarkozy nói rằng những lời nhận định đó đáp lại các kỳ vọng của thế giới về một nước Mỹ có cam kết.
Các nhà lãnh đạo G8 thảo luận về vấn đề Trung Đông và Châu Phi vào cuối ngày hôm qua và dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận vào ngày hôm nay.
Tunisia và Ai Cập đã đề nghị được hỗ trợ hàng tỷ đôla để tái thiết đất nước.
Ông John Kirton, giám đốc Nhóm Nghiên cứu G8 tại Trường Đại học Toronto dự báo rằng các vị nguyên thủ quốc gia sẽ cung cấp các khoản viện trợ đó như một phương thức để thúc đẩy dân chủ.
Ông nói: "Sự thức tỉnh của Ả Rập, công cuộc tái thiết Ai Cập và Tunisia, phản ánh trực tiếp nhiệm vụ cốt lõi của G8 trên thế giới.”
Ông Sarkozy cũng nói rằng ông đã nhận được sự ủng hộ của cá nhân các nhà lãnh đạo G8 về việc Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde ứng cử để trở thành người lãnh đạo kế tiếp của Quĩ Tiền tệ Quốc tế.
Ông Sarkozy nói rằng có một người châu Âu làm nhà lãnh đạo kế tiếp của IMF là điều hợp lý, xét đến những vấn đề kinh tế mà 17 nước thành viên của khu vực sử dụng đồng euro đang phải đối mặt.
Nhưng ông nói điều quan trọng là các nước mới nổi sẽ có cơ hội được giữ vị trí này trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo nhóm họp ở Deauville cũng thảo luận về vấn đề an toàn hạt nhân và tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Họ cũng thảo luận về vai trò mạnh mẽ của Internet - và liệu có nên áp đặt các qui định cụ thể - đối với những công ty hàng đầu của ngành công nghiệp này hay không.
Chủ tịch công ty Google, ông Eric Schmidt, nói rằng các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp này muốn các chính phủ giải quyết những vấn đề như khủng bố trên mạng và tranh ảnh trẻ em đồi trụy trên mạng, chứ không phải là những luật lệ bao quát.
Ông nói: “Toàn bộ ngành công nghiệp này quan ngại rằng các qui định hấp tấp đối với các phát minh - nghĩa là những qui định cấm một điều gì đó - là điều rất đáng quan ngại. Bởi vì những qui định đó bóp nghẹt toàn bộ những ngành công nghiệp mới, toàn bộ những cơ hội mới, toàn bộ những phát minh mới.”
Ông Schmidt cũng nói rằng điều vô cùng quan trọng là thế hệ lãnh đạo mới của Ả Rập nắm bắt lấy cơ hội của Internet - giống như người dân Ả Rập đã sử dụng các trang web để thúc đẩy các cuộc cách mạng của người dân.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói rằng việc nhóm 8 nhà lãnh đạo đưa ra cam kết vững chắc hỗ trợ cho Tunisia và Ai Cập trong cuộc hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của họ là điều vô cùng quan trọng.