Nhóm 20 quốc gia lớn (G20) ngày 28/7 không thống nhất được các mục tiêu cụ thể để cắt giảm lượng khí thải nguy hiểm, chỉ đưa ra một tuyên bố nói rằng các biện pháp hiện trong việc giải quyết biến đổi khí hậu là “không đủ”.
Sự bế tắc - mới nhất trong một chuỗi các hội nghị quốc tế không có kết quả - diễn ra vài ngày sau khi các nhà khoa học một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, nói rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã đóng một vai trò bao trùm trong các đợt nắng nóng khắc nghiệt quét qua Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc.
Sau ba ngày họp tại thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ, các nhà tổ chức đã công bố một tài liệu cho thấy khối này vẫn bị chia rẽ về các lời kêu gọi, do các quốc gia phát triển dẫn đầu, nhằm giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2025 và cắt giảm 60% vào năm 2035 so với mức của năm 2019.
Tài liệu cho thấy các thành viên không thể đồng ý về việc cắt giảm carbon, lượng khí thải lịch sử, các mục tiêu khí thải ròng bằng zero và vấn đề tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển.
Cuộc họp ở Ấn Độ được coi là cơ hội để các quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới thực hiện các bước cụ thể trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 9 tại New Delhi và Hội nghị thượng đỉnh COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào tháng 12 tới.
Một quan chức Ấn Độ cho biết các nước phát triển trong nhóm đã yêu cầu giảm thiểu phát thải khí nhà kính để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Các nước đang phát triển phản đối yêu cầu này vì họ cho rằng các mục tiêu giảm thiểu - nhằm cắt giảm hoặc loại bỏ khí thải nhà kính, hoặc loại bỏ chúng khỏi bầu khí quyển - sẽ hạn chế khả năng phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng của họ, quan chức này cho biết.
Các thành viên của một phái đoàn châu Âu cho biết Trung Quốc và Ả Rập Xê-út giàu dầu mỏ đã từ chối thực hiện các cam kết trong các cuộc đàm phán G20.
Ủy viên Môi trường của EU nói các nước G20 “chẳng đi đến đâu” trong các cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Phát biểu khi kết thúc cuộc họp, ông Virginijus Sinkevicius nói một số phái đoàn đã cố gắng rút lại các cam kết về khí hậu trước đây - một lập trường mà ông cho rằng châu Âu không thể chấp nhận.
“Chúng tôi được yêu cầu đưa ra những lựa chọn táo bạo, thể hiện lòng can đảm, cam kết và khả năng lãnh đạo. Nhưng chúng tôi, về mặt tập thể, đã không đạt được điều đó. Chúng tôi không thể bị thúc đẩy bởi một mẫu số chung thấp nhất, hoặc bởi những lợi ích quốc gia hẹp hòi. Chúng tôi không thể cho phép tốc độ thay đổi được lập ra bởi các bên chậm chạp nhất,” ông nói.
Các bộ môi trường và đối ngoại của Ấn Độ không trả lời email yêu cầu bình luận về nhận xét này.
Việc không đạt được thỏa thuận xảy ra chỉ một tuần sau khi các nền kinh tế lớn G20 bất đồng về việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch sau sự phản đối của một số quốc gia sản xuất.
Diễn đàn