Đường dẫn truy cập

G20 bác chủ nghĩa bảo hộ, kêu gọi ‘đối thoại’


Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Buenos Aires, Argentina, ngày 20 tháng 3, 2018.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Buenos Aires, Argentina, ngày 20 tháng 3, 2018.

Các nhà lãnh đạo tài chính thế giới bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ hôm thứ Ba và kêu gọi "đối thoại thêm" về thương mại, nhưng không thể xóa tan được mối đe dọa của một cuộc chiến tranh thương mại chỉ mấy ngày trước khi các mức thuế của Mỹ áp lên nhôm và thép nhập khẩu có hiệu lực và Washington dự định sẽ công bố các biện pháp nhắm vào Trung Quốc.

Các bộ trưởng tài chính và các lãnh đạo ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đại diện 75 phần trăm thương mại của thế giới và 85 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, đã thảo luận về những gián đoạn thương mại như là một nguy cơ đối với tăng trưởng trong hội nghị kéo dài hai ngày.

Nhưng sau các cuộc hội đàm được những người tham dự mô tả là "lịch sự" và chủ yếu bao gồm các tuyên bố chính thức không có tranh luận, G20 đồng ý chỉ ủng hộ một tuyên bố mơ hồ về thương mại từ năm 2017 và "thừa nhận" cần phải có thêm "đối thoại và hành động."

"Chúng tôi tái khẳng định những kết luận của các nhà lãnh đạo về thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh Hamburg và thừa nhận sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại và hành động. Chúng tôi đang nỗ lực củng cố những đóng góp của thương mại vào nền kinh tế của chúng tôi," tuyên bố cuối cùng của các bộ trưởng G20 nói.

Nhưng tuyên bố đã không giúp xóa tan lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu vì các mức thuế của Mỹ - 25 phần trăm đối với thép nhập khẩu và 10 phần trăm đối với nhôm nhập khẩu - có hiệu lực vào thứ Sáu.

Hai quan chức được báo cáo tình hình nói với Reuters rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ loan báo các mức thuế lên tới 60 tỉ đôla giá trị hàng hóa bao gồm công nghệ và các sản phẩm viễn thông của Trung Quốc vào ngày thứ Sáu tuần này, một hành động xuất phát từ các tập tục của Bắc Kinh liên quan đến tài sản trí tuệ.

Tuyên bố Hamburg năm 2017, tuyên bố được các nhà lãnh đạo tài chính dẫn chiếu hôm thứ Ba, nói các nước G20 sẽ "tiếp tục chống lại chủ nghĩa bảo hộ bao gồm tất cả các hoạt động thương mại bất công."

Nhưng nó cũng nói rằng các nhà lãnh đạo G20 "thừa nhận vai trò của các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp," một sự mơ hồ cho Mỹ lý do để lập luận về nguyên nhân của các mức thuế quan của họ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu rõ hành động thuế quan của Washington là một biện pháp phòng vệ thích đáng.

"Chúng tôi cần chuẩn bị sẵn sàng để hành động vì lợi ích của Hoa Kỳ một lần nữa để bảo vệ thương mại tự do và công bằng, đối ứng," ông nói trong một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, nói thêm rằng luôn có nguy cơ những nước khác có thể đáp trả.

"Có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại, Tổng thống nói rằng chúng tôi không sợ bước vào chiến tranh thương mại, với quy mô thị trường của chúng tôi, quy mô nền kinh tế của chúng tôi và thực tế là chúng tôi có thâm hụt thương mại lớn," ông Mnuchin nói.

"Về vấn đề thép và nhôm, đây là kết quả của những tập tục thương mại bất công và đó là lý do vì sao chúng tôi đáp lại như vậy."

Liên minh Châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, muốn được miễn trừ các mức thuế này như Canada và Mexico, nhưng cho đến nay vẫn chưa được.

Do đó, Liên minh Châu Âu đang chuẩn bị các mức thuế trả đũa nhắm vào các sản phẩm của Mỹ, từ rượu bourbon và quần jeans đến xe môtô Harley-Davidson.

Các quan chức Châu Âu nói chiến tranh thương mại sẽ chỉ làm cho đôi bên bị tổn hại và G20 thống nhất ủng hộ "chủ nghĩa đa phương" - thuật ngữ của G20 để chỉ việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trong Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG