Thống đốc ngân hàng trung ương Miến Điện mới đây đã trình bày với Ngân hàng Thế giới một hình ảnh tươi đẹp của nền kinh tế, với tỉ lệ tăng trưởng trong năm nay dự kiến đạt mức 12%, nhờ vào hoạt động xuất khẩu khí đốt và nông sản.
Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Á châu dự báo rằng kinh tế Miến Điện chỉ tăng trưởng với tỉ lệ 5% trong năm 2010.
Các chuyên gia về Miến Điện thì nói rằng cả hai dự báo vừa kể đều không có tác động đáng kể cho việc cải thiện cuộc sống của đại đa số người dân Miến Điện.
Bà Alison Vicary, giáo sư kinh tế học của Đại học Macquarie ở Australia, nói rằng Miến Điện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Bà Vicary cho biết: "Tôi có thể nói rằng tình hình rất đỗi tệ hại. Chúng tôi tiếp tục nhận được những nguồn tin nói rằng dân chúng phải rất vất vả mới có đủ thức ăn hàng ngày. Tôi nghĩ rằng điều này nói lên hình ảnh chung ở Miến Điện. Tôi cũng có thể nói một cách khái quát là đối với dân thường thì tình hình đang dần dà trở nên tệ hại hơn."
Miến Điện là một trong những nước nghèo nhất Á châu và ước chừng 1/3 dân số đang sống trong tình trạng nghèo túng cùng cực.
Một cuộc nghiên cứu của Đại học Macquarie cho thấy hệ thống thuế khóa của Miến Điện rất đỗi độc đoán, thường bao gồm việc cưỡng bức lao động, cưỡng ép mua sắm hàng hóa và tịch thu đất đai. Đường sá bị hư hại và cơ sở hạ tầng cảng biển yếu kém cũng gây trở ngại cho công cuộc phát triển.
Một số kinh tế gia và phân tích gia trong khu vực hy vọng là cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11 – cuộc bầu cử đầu tiên trong vòng 20 năm, có thể đưa tới sự cởi mở của nền kinh tế đang do chính quyền quân nhân chế ngự.
Tuy nhiên, bà Debbie Stothard, phát ngôn viên của tổ chức nhân quyền có tên Mạng lưới ASEAN Thay thế, nghĩ rằng sẽ không có nhiều thay đổi.
Bà Stothard nói: "Tình hình khủng hoảng đang diễn ra ở nhiều khu vực nông thôn ở Miến Điện, nơi mà dân chúng thật sự không thể trồng trọt để có đủ miếng ăn vì nạn tịch thu đất đai, vì giới hữu trách thu thuế quá nhiều, và vì thiếu cơ hội kiếm sống. Hầu hết dân chúng ai nấy cũng đều cảm thấy hoài nghi và bất mãn đối với cuộc bầu cử. Các cuộc bầu cử khiến họ phải nộp thuế nhiều hơn."
Chính phủ Miến Điện được nhiều người cho là rất tham ô. Và nhiều chính phủ, trong đó có Hoa Kỳ, đã áp dụng những biện pháp chế tài kinh tế vì những vụ vi phạm nhân quyền.
Mặc dù vậy, điều này không làm chùn bước một số các nhà đầu tư nước ngoài. Thái Lan là nhà đầu tư hàng đầu của Miến Điện, đặc biệt là trong ngành dầu lửa và khí đốt.
Trung Quốc cũng là một nhà đầu tư và đối tác thương mại chính của Miến Điện, đặc biệt là trong khu vực năng lượng.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu khác của Miến Điện là gỗ và đá quí, thu hút các nhà đầu tư Hồng Kông, Nam Triều Tiên, Singapore và Ấn Ðộ.
Ông Bertil Lintner là một người đã viết nhiều cuốn sách về Miến Điện. Ông nói rằng tuy có những hoạt động đầu tư như vậy nhưng kinh tế Miến Điện vẫn tiếp tục yếu kém vì sự quản lý sai trái của chính phủ.
Ông Lintner nói: "Hầu như hoàn toàn không có đầu tư tư bản ở quốc gia này. Không có đầu tư trong ngành chế tạo hay bất kỳ điều gì có thể mang lại sự tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế."
Trong năm vừa qua, chính phủ đã bán hàng triệu đô la tài sản, kể cả hải cảng và các hệ thống giao thông cho các doanh nghiệp và những viên sĩ quan thân cận với tập đoàn tướng lãnh cầm quyền.
Bà Stothard nói rằng điều này có phần chắc sẽ tăng thêm gánh nặng cho người dân.
Bà Stothard nói tiếp: "Điều này thật ra là một sự tập trung quyền sở hữu của những cơ hội kinh tế chủ yếu ở nước này. Cho nên điều này đối với hầu hết dân chúng Miến Điện sẽ có nghĩa là giá cả sẽ tăng và cơ hội của họ để kiếm tiền sẽ ít đi."
Tuy nhiên, một số chuyên gia về Miến Điện cho rằng việc bán tài sản như vậy có thể giảm thiểu quyền hạn của quân đội trong lãnh vực kinh tế và giúp tạo ra một tầng lớp doanh thương.
Việc chính quyền Miến Điện quyết định trả tự do cho lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi sau nhiều năm giam cầm đã khơi ra những cuộc thảo luận về việc có nên nới lỏng các biện pháp chế tài kinh tế hay không. Bà Aung San Suu Kyi đã tỏ ý cho biết bà đang xem xét tới đề nghị này sau nhiều năm hậu thuẫn cho các biện pháp chế tài.
Những người chỉ trích việc chế tài nói rằng chừng nào mà Trung Quốc và Ấn Ðộ còn làm ngơ trước các biện pháp chế tài thì những biện pháp như vậy chỉ làm cho dân thường thêm khổ sở trong lúc giới lãnh đạo ngày càng giàu thêm.
Mặc dù vậy, ông Lintner cho rằng cần phải duy trì các biện pháp chế tài cho tới khi nào quân đội thực hiện thêm những biện pháp cải cách.
Ông Lintner cho biết: "Các biện pháp chế tài không nên được gỡ bỏ mà không có nhượng bộ về phía chính phủ. Đó là toàn bộ mục đích của việc áp dụng các biện pháp chế tài ngay từ ban đầu. Bây giờ, nếu không có một số thay đổi đáng kể trong chính sách của chính quyền quân nhân thì tôi không nghĩ là bà Suu Kyi sẽ hô hào cho việc hủy bỏ các biện pháp chế tài. Chế tài được thực hiện cho một mục đích và đó là điểm chính để gây sức ép."
Vì chưa rõ chính phủ mới được bầu ra ở Miến Điện sẽ quản lý nền kinh tế đất nước như thế nào, và vì còn có việc chế tài, cho nên các nhà đầu tư tiếp tục cảm thấy lo ngại. Các nhà nghiên cứu về Miến Điện nói rằng quốc gia nằm trong một khu vực đang tiến nhanh về mặt kinh tế này có phần chắc là sẽ tiếp tục bị tụt hậu.
Miến Điện, một trong những nước nghèo nhất ở vùng Đông Á, có thể đang tiến vào một giai đoạn phát triển mới sau cuộc bầu cử hồi gần đây và việc trả tự do cho lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben của đài chúng tôi gởi về từ Bangkok, các nhà phân tích trong khu vực e rằng Miến Điện sẽ không có thay đổi gì nhiều.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1