Bất đồng về gói cứu trợ Covid-19 thứ nhì giữa hai chính đảng của Mỹ xoay quanh vấn đề trợ cấp thất nghiệp: Đảng Cộng hòa muốn người dân đi làm trở lại để khôi phục kinh tế trong khi Đảng Dân chủ không muốn dịch bệnh tiếp tục lây lan, một nhà quan sát nhận định với VOA.
Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua gói cứu trợ 3.500 tỷ đô la với tên gọi Dự luật HEROES hồi tháng 5 trong khi cuối tháng 7 phe Cộng hòa ở Thượng viện cũng trình ra dự luật cứu trợ mang tên HEALS với số tiền ít hơn nhiều: 1.000 tỷ đô la.
Trong lúc này, cả hai viện Quốc hội đều đã đi nghỉ và phải đến giữa tháng Chín mới nhóm họp trở lại, khiến cho gói cứu trợ bị đóng băng cho đến lúc đó. Trong lúc chờ đợi, Tổng thống Donald Trump đã ‘lách rào’ với sắc lệnh hành pháp tiếp tục phát tiền trợ cấp thất nghiệp liên bang sau tháng 7, nhưng với số tiền ít hơn.
'Chắc chắn sẽ có thêm 1.200 đô'
Trong gói cứu trợ đầu tiên trị giá 3.200 tỷ đô la hồi tháng 3 (Đạo luật CARES), những người đi làm có đóng thuế ở Mỹ với thu nhập ít hơn 75.000 đô la một năm được lãnh một lần số tiền là 1.200 đô la trong khi mỗi người phụ thuộc được lãnh 500 đô la. Như thế, một gia đình hai vợ chồng với một con nhỏ có thể lãnh tổng cộng 2.900 đô la.
Số tiền 1.200 đô la sẽ được giảm theo bậc thang dần dần đối với những ai có thu nhập từ 75.000 đô la trở lên. Ai có mức thu nhập 99.000 đô la trở lên thì nằm ngoài tiêu chuẩn được lãnh số tiền này.
Lưỡng đảng có sự đồng thuận rộng rãi là sẽ cho một đợt nữa ‘tiền kích thích chi tiêu’ (stimulus check) và số tiền này chắc chắn sẽ được hai đảng thông qua khi Quốc hội họp trở lại, theo một nhà quan sát từ bang Texas.
Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc giảng dạy chuyên ngành MBA tại trường Keller Graduate School of Management, người theo dõi sát sao quá trình đàm phán ở Quốc hội qua trao đổi với dân biểu liên bang Ron Wright đại diện cho địa hạt của ông, cho biết về tiêu chuẩn, lần này vẫn y như CARES Act nhưng vấn đề tranh luận là người phụ thuộc sẽ được hưởng như thế nào.
Ông cho biết trong khi Đảng Cộng hòa đồng ý cấp cho mỗi người phụ thuộc chỉ 500 đô la và không giới hạn độ tuổi thì Đảng Dân chủ lại cấp đến 1.200 đô la cho mỗi người phụ thuộc nhưng lại giới hạn mỗi hộ gia đình chỉ được tính tối đa 3 người phụ thuộc mà thôi.
Ngoài ra, Đảng Dân chủ còn mở rộng đối tượng được thụ hưởng ‘tiền cứu trợ’ đến cả những di dân làm việc chưa có số an sinh xã hội (SSN) mà chỉ có mã số định dạng trả thuế (ITIN) mà thôi. Lần chi trả trước, chỉ có những ai có số SSN mới được lãnh.
Giáo sư Lộc dự đoán ‘trễ lắm là cuối tháng 9’ số tiền này sẽ được Quốc hội thông qua và người đóng thuế Mỹ sẽ được lãnh tiền ‘trong hai tuần đầu tháng 10’.
“Lần này chính phủ đã quen với việc phát tiền rồi thành ra những người đã có khai thuế có tài khoản chuyển tiền trực tiếp (direct deposit) sẽ sớm nhận được tiền,” ông nói.
Tranh cãi tiền thất nghiệp
Về trợ cấp thất nghiệp, ông Lộc cho biết đây là vấn đề tranh cãi dữ dội giữa hai Đảng khiến gói trợ cấp đi vào bế tắc.
Trong gói cứu trợ CARES, mỗi người thất nghiệp được lãnh từ liên bang 600 đô la mỗi tuần, cộng với số tiền trợ cấp của tiểu bang nữa thì có người lãnh đến trên 1.000 đô la mỗi tuần. Tuy nhiên, tiền trợ cấp của liên bang đã chấm dứt sau ngày 31/7 trong khi tiểu bang chỉ trợ cấp không quá 26 tuần lễ kể từ thời điểm bị thất nghiệp.
Trong gói cứu trợ lần này, Đảng Dân chủ muốn tiếp tục cho 600 đô la mỗi tuần cho đến hết tháng Giêng năm 2021 nhưng Đảng Cộng hòa chỉ cho 200 đô la mỗi tuần cho đến hết tháng Chín. Sau thời hạn đó, Đảng Cộng hòa muốn mỗi người thất nghiệp được lãnh 70% mức lương đi làm trước đó, nhưng không được quá 500 đô la mỗi tuần.
“Đảng Cộng hòa cho rằng nếu cho tiền thất nghiệp nhiều quá thì người ta sẽ không chịu trở lại làm việc, nền kinh tế Mỹ sẽ không mở cửa lại được,” Tiến sĩ Lộc bình luận.
Theo vị giáo sư này, tiền trợ cấp thất nghiệp liên bang trong gói cứu trợ lần đầu ‘rất có ích’ cho những người mất việc làm vì đại dịch nhưng nếu tiếp tục sẽ ‘gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế’. Tuy nhiên, cách làm của Đảng Dân chủ là ‘muốn người dân bớt đi ra ngoài nhiều để ngăn dịch bệnh không lây lan thêm nữa’, ông nói.
Trong khi chờ cứu trợ của Quốc hội thì những người thất nghiệp sẽ tiếp tục được lãnh 300 đô la mỗi tuần theo sắc lệnh hành pháp của ông Trump. Ngoài ra, sắc lệnh này còn yêu cầu các tiểu bang bỏ tiền ra cấp thêm 100 đô la mỗi tuần nhưng đang gặp phải sự chống đối và kiện tụng vì chính quyền các bang đã cạn kiệt ngân quỹ do thất thu thuế vì đại dịch, vẫn theo nhà quan sát này.
Bên cạnh đó, Đảng Dân chủ chỉ đồng ý chi 58 tỷ cho các trường học để mở cửa trở lại trong khi phe Cộng hòa muốn chi đến 105 tỷ cho việc này.
“Đảng Dân chủ không muốn cho tiền nhiều cho các trường học để mở cửa lại sớm quá,” ông Lộc giải thích.
Để có thể khôi phục lại nền kinh tế nhanh nhất có thể, Đảng Cộng hòa còn đề xuất ‘thưởng tiền cho những ai đi làm lại’.
Theo đó, nếu những ai chịu đi làm trở lại thì ngoài tiền lương được lãnh đủ, họ còn được chính phủ liên bang trả thêm 450 đô la mỗi tuần trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang được tranh luận và ông Lộc cho rằng ‘ít có khả năng đề xuất này của phe Cộng hòa được thông qua’.
‘Không cho kiện tụng’
Ngoài ra, để các doanh nghiệp tự tin mở cửa trở lại mà không sợ bị kiện tụng nếu chẳng may có nhân công bị dính virus corona, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện, đã yêu cầu phải có điều khoản ‘ngưng các vụ kiện tụng có liên quan đến virus corona nhằm vào các chủ doanh nghiệp, trường học và cơ sở y tế trong thời hạn 5 năm’.
Giáo sư Lộc cho biết thêm rằng Đảng Cộng hòa còn giới hạn số tiền bồi thường mà các chủ hãng phải đối mặt khi bị kiện tụng để đảm bảo họ không bị khánh tận khi mở cửa trở lại.
Ông McConnell đã khăng khăng bắt buộc phải có điều khoản này trong bất kỳ dự luật nhượng bộ nào giữa hai Đảng.
“Đảng Cộng hòa muốn có sự đảm bảo rất mạnh để chủ hãng xưởng có thể mở cửa lại nhanh chóng nhưng phía Dân chủ nói rằng như thế sẽ không an toàn vì sẽ khuyến khích giới chủ mở cửa lại một cách cẩu thả, không áp dụng đầy đủ biện pháp bảo vệ cho người đi làm,” ông Lộc giải thích và cho biết đây là điểm đang tranh cãi rất mạnh mẽ.
Ngoài những điểm đang tranh cãi đó, nhìn chung hai Đảng đồng thuận về việc tiếp tục gói cứu trợ dành cho các tiểu thương PPP (Chương trình Bảo vệ Người hưởng lương) – tức cho vay không hoàn lại nếu như chủ hãng xưởng chứng minh được rằng họ dùng số tiền đó để trả lương và không sa thải nhân công, ông Lộc cho biết.
Theo lời ông thì trong gói thứ nhất, nhiều tiểu thương mặc dù cũng rất khốn đốn nhưng không thể nào tiếp cận được gói này nếu họ trả lương bằng tiền mặt nên không đủ hồ sơ chứng từ.
Trong gói cứu trợ lần hai này, những tiểu thương nào đã xin vay tiền lần trước có thể xin vay một lần nữa nhưng với điều kiện là quy mô họ phải ít hơn 300 nhân công và phải chứng minh là họ bị giảm đến một nửa thu nhập trong khi số tiền họ có thể vay tối đa là 2 triệu đô la. Còn những tiểu thương nào vay lần đầu thì điều kiện vẫn giữ nguyên như ở lần trước, tức có quy mô lên đến 500 người và được vay tương đương 2,5 tổng chi phí hàng tháng của họ đến tối đa 10 triệu đô la.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cũng đồng thuận về việc cấp ‘tín dụng thuế’, tức ‘tax credit’, cho các hãng xưởng tăng thêm thay vì bớt đi nhân công trong mùa dịch. Theo đó, nếu hãng xưởng nào thuộc diện này mà chưa đóng thuế thì sẽ được miễn còn nếu đã đóng thuế rồi thì sẽ được hoàn tiền lại. Giáo sư Lộc cho biết đây là điểm mới so với gói cứu trợ thứ nhất nhưng chưa xác định rõ tiêu chuẩn là phải có thêm bao nhiêu nhân công.
Ngoài ra, hai Đảng cũng đồng ý kéo dài thời hạn cho người mua nhà được tiếp tục nợ tiền nhà mà không bị ngân hàng đến lấy nhà siết nợ cho đến cuối năm, nhà quan sát này cho biết và nói thêm rằng ‘hiện có trên 40 triệu người Mỹ không thể trả hay không trả đúng hạn tiền nhà’.
Ông Lộc nhận định rằng gói cứu trợ cuối cùng được thông qua sẽ là sự thỏa hiệp giữa hai Đảng, tức là ‘Dân chủ sẽ bớt 1.000 tỷ còn Cộng hòa sẽ tăng thêm 1.000 tỷ’. Như vậy, quy mô của gói cứu trợ đợt hai sẽ vào khoảng 2.000 tỷ đô la, ông dự đoán.
Bình luận về gói cứu trợ dịch Covid-19, ông Lộc cho rằng ‘chắc chắn có tác dụng’.
“Những người thất nghiệp, không thể trả tiền nhà thì chắc chắn là họ cần những số tiền này để cầm cự, còn những người có thể xoay sở được cũng có thêm tiền (1.200 đô la) để tiêu xài và đổ vào nền kinh tế,” ông phân tích.
“Nền kinh tế Mỹ đến 2/3 phụ thuộc vào tiêu dùng của người dân nên nó có tác dụng kích thích nền kinh tế,” ông nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng gói thứ nhất cũng có lỗ hổng để bị lợi dụng, chẳng hạn những tiểu thương dạng ‘đại gia’ rủng rỉnh tiền bạc, dư sức trụ vững giữa đại dịch vẫn hỏi xin vay tiền từ gói PPP để trả lương nhân công. Số tiền này, theo ông Lộc, là ‘phí phạm’ vì cuối cùng họ cũng được chính phủ xóa nợ.