Các chuyên gia nói, đứng về nhiều phương diện, đây là một cuộc đối đầu cổ điển giữa cánh hữu và cánh tả trong nền chính trị nước Pháp.
Tuy nhiên cố vấn cao cấp của Viện Pháp quốc về các Vấn đề Quốc tế tại Paris, ông Dominique Moisi nói có một yếu tố khác nữa trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống: đó là sự va chạm giữa những cá tính khác nhau.
Ông Moisi nói: “bạn có thể đưa ra một bức tranh hí họa về hai ứng cử viên một thái quá là ông Nicholas Sarkozy, và một bị coi là bất cập là ông Francois Hollande. Một người có năng lực đặc biệt, lạ thường, nhưng sự nóng nảy hay chủ nghĩa cơ hội trong chính trị làm mọi người cảm thấy không thoải mái. Do đó cá nhân của ông Nicolas Sarkozy không được chấp nhận khiến cho cuộc bầu cử kỳ này có điều gì khá đặc biệt.”
Sau 5 năm cầm quyền, nhiều người Pháp cho rằng ông Sarkozy không thực hiện được các lời hứa - nhất là trong lãnh vực kinh tế.
Nhà phân tách Charles Kupchan thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói Tổng thống Pháp đang phải vất vả lội ngược dòng để tái dắc cử vì hai lý do.
Ông Kupchan nói: “Một là nền kinh tế chưa sinh động trở lại. Ông Sarkozy hứa điều mà ông gọi là một sự ‘đoạn tuyệt”-từ bỏ quá khứ, một sự tự do hóa thị trường nước Pháp. Và ông đã thực hiện một số bước lớn trong việc cải tổ thuế vụ và nỗ lực tự do hóa thị trường lao động, và ông đã nâng cao tuổi về hưu - nhưng mức tăng trưởng của Pháp cữ giữ nguyên không lay chuyển. Và điều thứ hai là ông Sarkozy dường như đã mất ảnh hưởng chính trị. Nhiều cử tri Pháp xem ông không ‘đủ điều kiện để làm Tổng thống’- Mức độ ủng hộ cho ông đã xuống thấp nhất. Các cử tri coi ông quá hiếu động và không thể gắn kết vào một đường lối bền vững.
Ông Dominique Moisi đồng ý:
“Người ta có cảm giác là ông đã làm mất tính cách thiêng liêng của chức vụ Tổng thống bằng cách lẫn lộn giữa lãnh vực tư và công. Cảm giác là có một yếu tố thông tục, dân giã trong cung cách của ông thực sự không phù hợp với một địa vị một thời do Tướng Charles de Gaulle đảm đương.”
Các cuộc thăm do công luận cho thấy trừ phi có phép lạ, ông Sarkozy sẽ mất chức vụ Tổng thống vào tay ông Francois Holland, ứng cử viên của Đảng Xã hội.
Các chuyên gia nói theo dự kiến, ngay cả những người ủng hộ Đảng Mặt Trận Quốc gia cực hữu của bà Marie Le Pen cũng bỏ ông Sarkozy.
Cách đây 5 năm ông được khá nhiều ủng hộ của những người này, nhưng các chuyên gia nói ông đã làm cho những người này rời bỏ ông vì đã không thực hiện lời hứa trong đó có việc ngăn chận di dân.
Ông Dominique Moisi nói: “Nếu tất cả những cử tri của Mặt Trận Quốc gia bỏ phiếu cho ông Sarkozy, thì kết quả sẽ thay đổi. Tuy nhiên theo các cuộc thăm dò công luận chúng ta được biết thì chỉ có tối đa 60% cử tri của Mặt Trận Quốc gia tuyên bố bỏ phiếu cho ông Sarkozy. 40% còn lại sẽ bỏ cho ông Hollande hoặc không đi bầu. Và hậu quả là ông Nicolas Sarkozy sẽ mất một ít phiếu - và người ta không thấy số phiếu trừ bị của ông từ đâu đến.”
Ông Moisi nói lãnh tụ Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen, đứng hạng ba trong vòng đầu cuộc bầu cử tháng trước, sẽ không bỏ phiếu cho ông Hollande hay ông Sarkozy.
Ông Moisi nói: “Ý tưởng của bà là đánh bại ông Sarkozy và xây dựng lại cánh hữu với Mặt trận Quốc gia là phần chính yếu. Và có một cuộc bỏ phiếu vòng ba vào Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng Sáu, bà Le Pen đang háo hức chờ cuộc bầu cử này, nhìn vào sự quan trọng mới của đảng chính trị của bà trong cánh hữu của nước Pháp.
Đối với cuộc bầu cử Tổng thống ngày Chủ Nhật, ông Moisi và những người khác nói điều trớ trêu là người Pháp không nhất thiết bỏ phiếu cho ông Francois Hollande vì những chính sách của ông mà chỉ vì một lý do đơn giản, đó là ông không phải là ông Nicolas Sarkozy.
Ông Nicolas Sarkozy | Ông François Hollande | ||
---|---|---|---|
|
|