Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé nói Pháp duy trì áp lực để Nga và Trung Quốc ủng hộ một nghị quyết Liên Hiệp Quốc về chấm dứt xung đột tại Syria. Cả hai nước đều phủ quyết quyết định này tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng, khiến cơ quan này không thể ủng hộ kế hoạch của Liên đoàn Ả Rập được Tây phương hậu thuẫn, buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải từ nhiệm.
Lên tiếng trên đài phát thanh France-Info, ông Juppé nói Pháp đang cố gắng đàm phán lại về nghị quyết trên, sao cho Nga có thể đồng thuận. Ông dự liệu gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào thứ Năm, cùng ngày Hội Đồng Bảo An biểu quyết về nghị quyết về Syria.
Nghị quyết có nội dung tố cáo Syria vi phạm nhân quyền và ngưng đàn áp giết hại phong trào chống đối Tổng thống Assad từ 11 tháng qua.
Ngoại trưởng Juppé nói tuy nghị quyết của Hội Đồng Bảo An không có tính cách cưỡng hành nhưng động thái này sẽ là một biểu tượng mạnh mẽ nếu có hàng chục quốc gia ủng hộ. Ông gọi kế hoạch của Liên đoàn Ả Rập là sáng kiến duy nhất hiện có để đem lại một giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng.
Những nhận định của Ngoại trưởng Pháp trùng hợp với một đợt công kích mới của lực lượng chính phủ Syria vào thành phố Hama, và còn có thêm vụ pháo kích vào Homs, một thành phố khác.
Hôm thứ Ba, Pháp loan báo cung ứng một ngân khoản 131 triệu viện trợ khẩn cấp cho các cơ quan cứu trợ đang cố gắng giúp đỡ dân chúng Syria. Pháp sẽ thúc đẩy sáng kiến này trong một hội nghị quốc tế về khủng hoảng Syria tại Tunis vào tuần tới.
Ông Juppé cũng nói Hội Đồng Bảo An nên xúc tiến một đề xuất khác của Pháp, nhằm mở những hành lang nhân đạo vào Syria để có thể đem cứu trợ tới cho dân chúng, và giúp họ tới được biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Li Băng.
Những đề nghị của Pháp được đưa ra trong lúc cộng đồng quốc tế tiếp tục gia tăng áp lực lên chính phủ của Tổng thống Assad. Hoa Kỳ và các thành viên Liên Hiệp châu Âu đã áp đặt những chế tài chặt chẽ. EU dự kiến loan báo thêm các bước trừng phạt mới với Syria, có thể là từ giờ đến cuối tháng.
Pháp đang vận động cho việc tái thương thảo một nghị quyết Liên Hiệp Quốc để chấm dứt bạo động tại Syria, sau khi nghị quyết cũ bị Nga và Trung Quốc bác bỏ hồi đầu tháng. Cuộc vận động được đưa ra trước một cuộc bỏ phiếu không cưỡng hành của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về cuộc khủng hoảng Syria.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1