Cuộc thăm dò do nhóm khảo sát IFOP và báo Le Monde của Pháp cùng đứng ra tổ chức xác nhận có căng thẳng ngày càng tăng giữa người châu Âu có truyền thống theo Ky-tô giáo với những người Hồi giáo mới nhập cư.
Hơn 2/3 trong số 1.600 người Pháp và Đức được phỏng vấn nghĩ rằng người nhập cư Hồi giáo hội nhập chưa tốt vào xã hội của họ. Đáng ngại hơn nữa, khoảng 4 trong số 10 người được phỏng vấn xem Hồi giáo là một mối nguy.
Ông Jerome Fourquet, Phó Giám đốc của IFOP, cho biết
“Kết quả thăm dò cho thấy tại Pháp và Đức, hai quốc gia có chính sách di trú rất khác biệt, cảm nghĩ về hội nhập của người Hồi giáo lại tiêu cực giống nhau. Cách nay vài năm cuộc tranh luận về di trú liên quan đến an ninh và công ăn việc làm. Bây giờ thì liên quan đến bản sắc dân tộc và nguy cơ mà Hồi giáo có thể gây ra.”
Trong thời gian gần đây, các nước châu Âu có thái độ cứng rắn hơn đối với Hồi giáo, tôn giáo lớn thứ nhì tại đây.
Pháp và Bỉ ra luật cấm phụ nữ đeo khăn phủ kín mặt. Thụy Sĩ biểu quyết cấm xây những vòm cao vút bên trên các đền thờ Hồi giáo. Tại Thụy Điển và Hà Lan, các đảng cực hữu, các nhóm chống di dân ngày càng lấn lướt.
Ông Fourquet nói rằng IFOP cũng muốn thăm dò các nước châu Âu khác, nhưng ông tin nước Anh có thể có thái độ khác, những nước còn lại có nhiều phần chắc cũng giống như Pháp và Đức.
Cuộc thăm dò lần này cũng có những điểm đặc biệt. Ví dụ đa số người Đức và Pháp được phỏng vấn không chống lại trường hợp thành phố họ có một thị trưởng Hồi giáo.
Ông Fourquet nói thách thức lớn nhất là làm thế nào hòa giải giữa dân châu Âu ngày càng xa rời tôn giáo với dân tôn sùng tiên tri Mohammad đang sống chung với nhau.
Một cuộc thăm dò mới cho thấy đa số người Pháp và Đức tin rằng người Hồi giáo chưa hội nhập tốt vào xã hội của họ; thậm chí có người còn nghĩ Hồi giáo là một mối nguy