Ông Lee Howell, Giám đốc tổ chức nghiên cứu kinh tế World Economic Forum cho biết Chỉ số Niềm tin Toàn cầu trong quý này có khá hơn quý trước, nhưng không nên lấy đó làm mừng:
“Chúng ta đang có một tin vui về Chỉ số Niềm tin Toàn cầu, nhưng sự vui mừng này chỉ có tính cách tương đối, nhất khi chúng ta nhìn những gì đang xảy ra trong khu vực đồng Euro.”
Chỉ số này cho thấy trong quý trước, tỷ lệ lo lắng sẽ có xáo trộn kinh tế quan trọng là 63%, nhưng quý này chỉ cỏn 46%. Ông Howell nhận xét:
“Cuộc khảo sát rõ ràng cho thấy mọi người không còn lo sẽ có biến động to lớn trong 12 tháng sắp tới. Tuy nhiên, đây là một tuy nhiên rất lớn, họ có nhiều lo lắng sẽ gặp một cú sốc địa lý chính trị quan trọng. Ai cũng hiểu là chúng ta đang sống trong một thế giới mà các cú sốc địa lý chính trị nhất định sẽ tác động lên địa lý kinh tế.”
Các nguồn có thể gây ra các cú sốc địa lý chính trị là Syria, Iran và Bắc Triều Tiên.
Ông Howell tin rằng nhìn chung, chỉ số của quý này không có nghĩa là thế giới đang trở lại với một tình hình lạc quan thận trọng, thay vào đó, đây là một tình hình ít có rủi ro cao.
Dù vậy, ông cho rằng ngày càng có nhiều lo ngại rằng những cơ chế kinh tế, doanh nghiệp, chính trị đã từng hoạt động khá trong thế kỷ 20 bây giờ sẽ không còn bắt kịp, hợp thời cho những công việc thuộc thế kỷ 21 nữa.
Chỉ số Niềm tin Toàn cầu còn cho thấy trên khắp thế giới bây giờ đang thiếu tầng lớp lãnh đạo dám nghĩ dám làm, và giới lãnh đạo hiện hữu không nhiệt tình hợp tác với nhau giải quyết các vấn đề chung.
Chỉ số Niềm tin Toàn cầu lần tới sẽ công bố vào tháng 8. Chỉ số này là phúc trình đúc kết các buổi phỏng vấn với 1.200 chuyên viên quốc tế về các vấn đề kinh tế và chính trị toàn cầu.