Hôm 10/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Việt Nam cho biết Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sẽ thực hiện việc chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, bắt đầu từ ngày 31/3/2017. Tập đoàn Đài Loan gây ra thảm họa cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung cam kết sẽ hoàn thành tiến trình chuyển đổi trước ngày 30/6/2019.
Theo cam kết với chính phủ Việt Nam khi bắt đầu đầu tư tại Việt Nam, Formosa sẽ sử dụng phương pháp làm nguội than cốc theo phương pháp khô (dùng khí N2). Tuy nhiên trên thực tế, công ty gang thép của Đài Loan đã dùng phương pháp ướt, dùng nước tuần hoàn, để làm nguội.
Luật sư Phạm Công Út từ TP.HCM nói việc thực hiện sai quy trình sản xuất có thể dẫn đến việc rút giấy phép đầu tư, nếu Formosa không thay đổi lại theo cam kết. Ông nói:
“Thay đổi quy trình sản xuất từ khô sang nước, thứ nhất là họ làm lợi cho doanh nghiệp của họ về chi phí đầu tư ban đầu, thứ hai là giá thành sẽ cạnh tranh được. Họ làm sai quy trình cấp phép ban đầu thì nhà nước có thể rút giấy phép”.
Do sử dụng phương pháp ướt nên Formosa đã phải lén lút xả các chất thải độc hại ra biển thông qua ống xả thải đặt ngầm dưới đáy biển. Sau khi xuất hiện hiện tượng hải sản chết hàng loạt vào đầu tháng 4/2016, các thợ lặn ở địa phương đã phát hiện ra ống xả thải này.
Cuối tháng 6/2016, Việt Nam chính thức công bố Formosa là thủ phạm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên. Tuy nhiên, khoản tiền 500 triệu đôla mà Formosa bồi thường thiệt hại trong vụ này đã không nhận được sự đồng tình của người dân địa phương. Hàng trăm người dân đã đệ đơn lên tòa án để kiện công ty của Đài Loan.
Anh Hường, một người làm nghề biển tại Hà Tĩnh, nói với VOA:
“Khi nào biển sạch? Bao lâu, thời gian? Nhà nước quy hoạch bây giờ đền cho người dân 6 tháng thì tất nhiên người ta sẽ không chấp nhận được. Đợt bọn em làm hồ sơ kiện lên gửi tòa án, bọn em đòi hỏi ít nhất phải được 5 năm”.
Người dân tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu nhận số tiền bồi thường thiệt hại của Formosa, theo Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10/11.
Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã giúp hơn 500 người dân địa phương làm hồ sơ khởi kiện, nói số tiền bồi thường 500 triệu đôla của Formosa là không thấm tháp gì so với những thiệt hại trên thực tế mà người dân phải gánh chịu. Mặt khác, việc quy định mức bồi thường và chỉ bồi thường cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế là không thỏa đáng vì theo Lm. Nam, người dân ở tỉnh Nghệ An cũng bị thiệt hại về sinh kế do sự cố môi trường trên. Lm. Nam nói rằng người dân sở dĩ chấp nhận bồi thường là vì hoàn cảnh quá khó khăn hiện nay.
“Ngư dân vốn đã nghèo rồi, mà hơn 6 tháng qua, người ta không có một thu nhập nào cả. Gia sản của người ta dù có tích góp thì người ta cũng phải bán, cầm cố để mà chống chọi, bám trụ với cuộc sống. Con cái của người ta đã không được đến trường. Món nợ ngân hàng để đầu tư vào các phương tiện đánh bắt là gánh nặng và đã làm cho người ta phá sản. Thử hỏi trong hoàn cảnh đó, cộng với 2 lần lũ lụt như thế này, ngập và mất hết tài sản, trong hoàn cảnh éo le như vậy chắc chắn người ta không thể từ chối món tiền có thể đến. Mặc dù, họ biết rằng sau khi họ nhận món tiền đó, tương lai của họ u ám hơn, mờ mịt hơn”.
Bộ TN&MT nói Formosa đang thực hiện nghiêm túc các giải pháp trước mắt và lâu dài theo yêu cầu của Bộ. Công ty Đài Loan sẽ bắt đầu khởi công việc chuyển đổi công nghệ vào ngày 31/3/2017 và cam kết hoàn thành việc này trước ngày 30/6/2019.