VOA: Thưa Tiến sĩ, phúc trình của Human Rights Watch được đặt tên là “Quần đảo Cai nghiện” (Rehab Archipelago), như cố ý gợi lại tác phẩm “Quần đảo Ngục Tù” của văn hào Nga và cũng là nhà bất đồng chính kiến thời Xô viết Alexandr Soljenitsin, điều đó có đúng không, thưa ông?
Tiến sĩ Amon: “Đúng vậy!”
VOA: Thế thì tình hình các trại cai nghiện ở Việt Nam tệ hại tới mức nào mà Human Rights Watch phải mang ra so sánh với quần đảo ngục tù của Nga?
Tiến sĩ Amon: “Trọng tâm của phúc trình của chúng tôi là vấn đề cưỡng bức lao động và những hành động ngược đãi khác, kể cả các vụ tra tấn, đang diễn ra tại Việt Nam mà nạn nhân là giới nghiền ma túy. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là những người thuộc thành phần này đã bị câu lưu, giam giữ mà không qua quy trình tư pháp nào, họ hoàn toàn không được bảo vệ, không được xét xử mà bị đưa đi rồi cô lập trong các trại cai nghiện, nơi chẳng có ai giám sát, nơi diễn ra các hành động vi phạm nhân quyền thực sự đáng sợ.”
VOA: Thưa, ông quy lỗi cho ai về tình trạng tệ hại này?
Tiến sĩ Amon: “Chính phủ Việt Nam điều hành các trung tâm cai nghiện đó, họ còn bênh vực các trung tâm này và cho rằng đây là một đáp ứng thỏa đáng đối với nạn sử dụng ma túy. Theo chúng tôi, điều đó sai, đứng từ quan điểm khoa học, và là một hành động vi phạm nhân quyền cũng như cam kết bảo vệ nhân quyền của Việt Nam trên tinh thần các hiệp ước về nhân quyền.”
VOA: Thưa ông, những cá nhân hoặc tổ chức nào hưởng quyền lợi từ việc khai thác sức lao động rẻ tiền, hay lao động không công của các học viên ở các trại cai nghiện? Hãng thông tấn AP có nhắc tới một số công ty tư khai thác sức lao động của các trại viên, ông có thể nêu đích danh một vài công ty?
Tiến sĩ Amon: “Chúng tôi đã thu thập các tài liệu từ nhiều nguồn và về các hình thức lao động khác nhau, kể cả nông nghiệp như sản xuất hạt điều, để phục vụ cả người tiêu thụ trong nước lẫn các công ty quốc tế. Một số công ty Việt Nam gồm các nhà sản xuất hạt điều chẳng hạn, nhưng cũng có một số công ty sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nhựa plastic ví dụ như các túi nylông để đựng đồ mua sắm. Ngoài ra còn có một số sản phẩm khác thi công cho các công ty nước ngoài, kể cả một công ty Thụy Sĩ chuyên sản xuất mùng chống muỗi, và Columbia Sportswear, một công ty Mỹ chuyên may trang phục và áo khoác thể thao. Phải nói là trong cả 2 trường hợp, các hoạt động sản xuất đó diễn ra mà không được phép của các công ty liên hệ. Không những thế mà trên thực tế, còn đi ngược lại các nguyên tắc chống sử dụng lao động cưỡng bức của họ, thế nhưng các nhà thầu phụ Việt Nam, dù không được phép, đã liên hệ với các trung tâm giam giữ người nghiện.
Chính phủ Việt Nam đã cung cấp các biện pháp khích lệ thuế cho các công ty để sản xuất hàng hóa tại các trung tâm cai nghiện. Đây là một hành động quá đáng, một tình hình đáng sợ khi cưỡng bức lao động bị sử dụng vào việc chế tạo các sản phẩm cho tư nhân, nhằm mục đích sinh lợi.”
VOA: Thưa Tiến sĩ, liệu có bất cứ công ty nào thuộc quyền sở hữu của nhà nước can dự vào các hoạt động này không?
Tiến sĩ Amon: “Rất khó có thể thực hiện cuộc nghiên cứu này để xác quyết chính xác ai được thu lợi và những ai được hưởng lợi lộc từ hoạt động này. Trong nhiều trường hợp, các công nhân... tôi xin lỗi, các cựu trại viên mà chúng tôi phỏng vấn không chắc về tên của các công ty liên hệ. Họ có thể nói với chúng tôi rằng họ không nhận được bất cứ tiền bạc gì, hoặc chỉ nhận được các món tiền rất ít ỏi, mà có nhận thì cũng trắng tay sau khi các chi phí ăn uống, nhà ở vv... bị khấu trừ. Nhưng chúng tôi không xác định được trong tất cả mọi trường hợp, công ty nào được hưởng lợi từ các hoạt động đó.”
VOA: Thưa Tiến sĩ, ngay cả các nước cấp viện như Hoa Kỳ và Australia chẳng hạn, và một số định chế quốc tế, cũng bị tố cáo là đã nhắm mắt làm ngơ trước những hành động vi phạm nhân quyền trong vụ này, nhưng họ có hảo ý, có phải không ạ? Các bên cấp viện đâu có trách nhiệm giám sát chương trình cai nghiện của nhà nước Việt Nam?
Tiến sĩ Amon: “Rõ ràng các nước cấp viện phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra cho các khoản cấp viện mà họ cung cấp. Khi chúng tôi liên lạc với các bên cấp viện, hầu hết đều nói rằng họ không giám sát xem liệu có xảy ra các vụ vi phạm nhân quyền hay không. Họ nói họ chỉ ủng hộ các hoạt động của trung tâm cai nghiện mà thôi. Tôi thì tôi cho rằng đây là một hành động vi phạm rõ rệt những trách nhiệm của họ. Các bên cấp viện có nguy cơ tài trợ chi phí để điều hành các trung tâm cai nghiện và cho phép nhà nước Việt Nam tăng tối đa mức thu nhập trong khi khai thác mồ hôi và sức lao động của giới nghiện ma túy.
Liên hiệp quốc đã nói rõ các trung tâm ấy vi phạm nhân quyền bởi vì họ giam giữ nhiều người mà không qua một quy trình tư pháp đúng đắn, trên thực tế họ còn tạo điều kiện cho sự lây lan của siêu vi HIV nữa. Trong các điều kiện đó, thật khó tưởng tượng được vì sao bất cứ tổ chức nào lại đồng ý tài trợ để trang trải các chi phí hầu duy trì hoạt động của các trung tâm như thế. Quan điểm mạnh mẽ của chúng tôi là các bên cấp viện nên kêu gọi đóng cửa lập tức các trung tâm cai nghiện đó, và các trại viên, những người mà các quyền bị chà đạp, phải được phóng thích lập tức.”
VOA: Thưa, đồng ý với Tiến sĩ là tình hình tuy tệ hại thật, nhưng giải pháp thay thế là gì? Không lẽ trả tự do cho những người nghiện ngập đang cần được cai nghiện, để họ lại trở về lây lất trên các đường phố?
Tiến sĩ Amon: “Thưa cô, các trung tâm ấy hoàn toàn vô hiệu quả trong việc xử lý các trường hợp nghiện ma túy, Tổ chức Y tế Thế giới đã thu thập đủ chứng cớ cho thấy tới 90% những người xuất trại sau đó lại rơi vào tình trạng nghiện ngập. Nếu các trung tâm đó không hiệu quả trong công tác cai nghiện thì lẽ vì sao chúng nên tiếp tục hiện hữu cơ chứ? Điều mà chúng ta cần là những chương trình cộng đồng, tự nguyện, nhấn mạnh tới sự hỗ trợ của những người đồng cảnh ngộ, với sự tiếp tay của các dịch vụ tư vấn phối hợp với các phương pháp thay thế như chương trình methadone, cho phép người ta hiểu rằng nghiện ma túy là một vấn đề nghiêm trọng, nó đòi hỏi một phương pháp tiếp cận dựa trên y tế công chứ không dựa trên hình phạt, kể cả biện pháp cưỡng bức lao động.”
VOA: Thế thì thưa Tiến sĩ, ông trả lời người phát ngôn Nguyễn Phương Nga của Việt Nam như thế nào, khi bà bác bỏ tất cả những cáo buộc mà ông vừa nêu, và tái khẳng định rằng chương trình cai nghiện của nhà nước Việt Nam là một chương trình đã chứng tỏ là hiệu quả?
Tiến sĩ Amon: “Chính phủ Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh rằng cưỡng bức lao động là một đáp ứng thích hợp cho tật ghiền ma túy, điều đó hoàn toàn không đúng. Họ có thể đưa ra bất cứ khẳng định nào họ muốn, nhưng những dữ liệu thu thập được chứng minh rằng cưỡng bức lao động không hiệu quả. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở các nước khác nữa. Sự thiếu hiểu biết về tình trạng nghiện ngập, thái độ bất công và kỳ thị đối với những người nghiện ma túy đều có ở hầu hết mọi nơi. Thế cho nên trong khi phúc trình của chúng tôi nói về Việt Nam và những hành động vi phạm khủng khiếp xảy ra tại Việt Nam, đây là một vấn đề chúng ta phải đối mặt trên khắp thế giới.”
VOA: Xin Tiến sĩ cho phép tôi có nhận xét này. Phúc trình của Human Rights Watch được dựa trên các cuộc phỏng vấn 34 đối tượng nghiện ma túy, không phải tất cả đều bỏ được thói nghiện ngập, các nhân chứng này có đáng tin cậy không? Và liệu mẫu nghiên cứu dựa trên 34 đối tượng có quá nhỏ để chúng ta có thể đi đến một kết luận bao quát, rằng có những hành động ngược đãi xảy ra tại các trung tâm cai nghiện trên khắp nước Việt Nam?
Tiến sĩ Amon: “Khi chúng tôi nói cưỡng bức lao động xảy ra một cách phổ biến và có hệ thống ở Việt Nam, chúng tôi không chỉ dựa vào lời chứng mà chúng tôi thu thập được từ những người nghiện ma túy và từng bị giam giữ trong các trung tâm cai nghiện, mà còn dựa trên chính sách của nhà nước Việt Nam. Chính sách ấy khẳng định rõ rằng dùng lao động như một phương pháp trị liệu là điều thích hợp, rằng những người bị giam giữ tại các trung tâm cai nghiện phải làm việc, nếu không họ có thể bị trừng phạt. Làm như vậy là phù hợp với định nghĩa quốc tế của cụm từ 'cưỡng bức lao động'.”
VOA: Thưa Tiến sĩ, ông có nhận được sự phản hồi nào từ chính phủ Việt Nam về bản phúc trình của HRW hay không?
Tiến sĩ Amon: “Đáp lại bản phúc trình của chúng tôi, chính phủ Việt Nam không tranh cãi sự kiện các học viên tại các trung tâm cai nghiện bị buộc phải lao động, vì thế tôi cảm thấy tự tin rằng điều đó đang diễn ra, và diễn ra trên khắp Việt Nam. Nhưng ngoài chúng tôi, còn có nhiều bên khác, kể cả Liên hiệp quốc, đã xác định làm như vậy là cưỡng bức lao động. Những điều mà chúng tôi tố cáo Việt Nam, thật ra không bị thách thức.”
VOA: Xin Tiến sĩ xác định cụ thể đã nói chuyện với ai, chức vụ của người ông đã tiếp xúc là gì, thuộc cơ quan bộ sở nào?
Tiến sĩ Amon: “Phản hồi mà chúng tôi nhận được từ chính phủ Việt Nam là do Bà Đỗ thị Ninh Xuân, Phó Cục trưởng, Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội của Việt Nam gửi cho. Bà Xuân trả lời một bức thư mà chúng tôi gửi cho phía Việt Nam vào ngày 2 tháng 9, thư của bà viết ngày 5 tháng 9, chúng tôi nhận được vào ngày 7 tháng 9.”
VOA: Câu hỏi chót, theo Tiến sĩ, hệ quả của câu chuyện này đối với Việt Nam là gì? Liệu có tác động tiêu cực tới kế hoạch của giới đầu tư muốn đổ tiền vào làm ăn tại Việt Nam hay không?
Tiến sĩ Amon: “Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước Việt Nam muốn duy trì quy chế ưu đãi về mậu dịch trong các giao dịch với các nước phương Tây, và nếu Hà Nội muốn được quốc tế coi là một nước văn minh tiên tiến, nơi mà các công ty quốc tế nghĩ tới lúc chọn địa điểm để thành lập các xưởng chế tạo, thì họ cần đảm bảo không có cưỡng bức lao động xảy ra ở bất cứ nơi nào trong nước. Tôi nghĩ rằng các công ty tư nhân đang tìm nơi để thành lập các hãng xưởng chế tạo sản xuất tại Á Châu, cần quan tâm về nguy cơ các sản phẩm của họ có thể đã được tạo ra bởi những người lao động bị đe dọa tra tấn hoặc ngược đãi, nếu họ không kiểm soát và giám sát một cách nghiêm ngặt tiến trình sản xuất, và bảo đảm các nhà thầu phụ không can dự với các trung tâm giam cầm người khác.”
VOA: Xin cám ơn Tiến sĩ Josep J. Amon, Giám đốc Ban Y tế và Nhân quyền của Human Rights Watch, đã dành cho ban Việt ngữ cuộc phỏng vấn này.
Xem video HRW kêu gọi Việt Nam đóng cửa các trung tâm cai nghiện ma túy