Tiến sĩ Villy Christensen, giáo sư trường đại học British Columbia trình bày hình ảnh đáng lo ngại của đại dương trong tương lai. Ông nói rằng sẽ vẫn còn cá, nhưng sẽ có một đại dương khác hẳn biển mà chúng ta và ông cha ta vẫn biết. Ông nói chúng ta đã thay đổi biển của thiên nhiên, chúng ta đã tiêu diệt những con cá lớn.
Quan điểm của ông căn cứ trên những dữ liệu tổng hợp từ 200 mẫu thuộc hệ sinh thái biển, lấy từ khắp thế giới.
Tiến sĩ Christensen nói rằng theo ước tính, trong vòng 100 năm qua, loại cá lớn, thường ăn những loài khác trong biển, đã hạ giảm 2/3 và mức hạ giảm vẫn còn đang tiếp diễn.
Cũng trong 100 năm qua, những loài cá nhỏ như cá trích, cá mòi... đã tăng gấp đôi.
Tiến sĩ Christensen nói thêm, tư liệu dẫn chứng của ông dựa trên một mẫu hệ thống sinh thái Peru, giúp chúng ta thấy được những xu hướng trong vòng 50 năm qua. Ông nói:
“Đây không phải là một hình ảnh đơn giản. Đây là hình ảnh 3 chiều về một thế giới dưới biển, cho chúng ta thấy có bao nhiêu cá, có những loại cá nào, và những điều đó thay đổi ra sao qua thời gian.”
Hoạt động đánh bắt cá quá mức, tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu đang đặt ra những hiểm họa lớn đối với một đại dương lành mạnh. Tiến sĩ Christensen nói:
“Nhìn về tương lai, chúng ta sẽ thấy các hệ sinh thái bớt ổn định trong biển. Sẽ có rất ít cá dùng làm thực phẩm và rất ít những cơ chế kiểm tra hệ sinh thái. Chúng ta cần những người đánh bắt giữ cho môi trường sống của loài cá được lành mạnh, và bớt đánh bắt đi.”
Theo FAO, các trại nuôi cá trên bờ chuẩn bị lãnh vai trò cung cấp thủy sản chính cho thế giới, thay thế cho những người đi đánh bắt ở biển. Tiến sĩ Christensen nói rằng công nghiệp nuôi trồng thủy sản hiện nay dùng các loại cá nhỏ để nuôi cá lớn trong trại cá, và hoạt động đó cũng tác hại sự lành mạnh của đại dương.
Theo ông, thay vì khai thác quá độ cá nhỏ để nuôi cá trong trại, con người cần ăn cả những loại cá nhỏ nữa. Vị chuyên gia về nguồn cá nói rằng, loài người cần thay đổi tập quán ăn uống một chút, nghĩa là ăn các loại cá nhỏ thường dùng làm mồi, thay vì chỉ ăn cá lớn, có như vậy chúng ta mới góp phần khôi phục lại tính đa dạng và cân bằng hệ sinh thái của đại dương.
Theo các số liệu của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, FAO, mức tiêu thụ cá trên thế giới đã tăng cao kỷ lục. FAO cho biết 1/3 nguồn cá của thế giới bị đánh bắt quá mức, đang bị cạn kiệt hoặc rất cần được tái tạo. Trong một cuộc họp mới đây tại Washington, một chuyên gia nhận định về những bước có thể làm nhằm phục hồi năng lực sản xuất nguồn cá.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1