Đường dẫn truy cập

Fidel Ramos


Ông Fidel V. Ramos, Tổng thống thứ 12 của nước Cộng Hòa Philippines
Ông Fidel V. Ramos, Tổng thống thứ 12 của nước Cộng Hòa Philippines

Cựu tổng thống Fidel Ramos năm nay đã 84 tuổi nhưng hiện ông vẫn còn hoạt động rất tích cực ở Philippines. Hôm tôi đi dự buổi ra mắt sách của ông ở thủ đô Manila, nhìn ông đùa giỡn với những người có mặt trong phòng, hô hào mọi người phải nắm tay nhảy lên thật cao sau khi cùng la to khẩu hiệu ‘tất cả vì Philippines’ tôi cứ ngỡ đấy phải là điều những đứa bé thường làm. Chứ không phải là của một cựu lãnh tụ, tổng thống thứ 12 của nước Cộng Hòa Philippines. Người đã tại chức 6 năm và trong suốt thời gian đó được cho là đã giúp đất nước Philippines cải thiện rất nhiều trong hai lãnh vực: phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Sau khi đất nước này phải trải qua thời loạn lạc, đảo chánh liên miên của tổng thống Marcos và Aquino.

Nhưng con người Filipino là thế. Đất nước Phi là thế. Họ rất thân thiện, hiếu khách, ít nghĩ sâu, lo xa. Họ không giữ kẻ như người Việt. Cũng chẳng tính toán, quá khích như người Hoa. Họ luôn sẵn lòng chia xẻ với những người kém may mắn hơn mình. Ngay cả khi chính họ cũng không có gì nhiều.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các nước Đông Nam Á, Philippines là quốc gia duy nhất từ bỏ chương trình cưỡng bức người Việt tỵ nạn trở về nguyên quán vào giữa thập niên 1990. Để cuối cùng điều đó đã cho cộng đồng chúng ta có thời gian và sức lực giúp trên 2,500 thuyền nhân bị kẹt lại ở hai trại tỵ nạn Bataan và Palawan đến được bến bờ tự do trong những năm sau này.

Để đi đến quyết định ấy nước Phi đã đi ngược lại với chính sách của chính Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR. Và của cả cộng đồng quốc tế trong đó bao gồm các nước giàu có, lớn mạnh hơn như Canada, Úc, Mỹ…

Thế vậy mà họ vẫn cương quyết không áp dụng chính sách cưỡng bức hồi hương vô nhân đạo. Quyết định không còng tay, khiên lết người tỵ nạn lên máy bay trả về Việt Nam, bất kể là người ấy có đồng ý hay không, hay số phận họ sẽ ra sao. Như tất cả những quốc gia khác đã thực hiện mà đứng đầu và tiên phong là Hồng Kông.

Mặc dù chính quốc gia họ lúc ấy cũng đang trải qua thời khốn khó của cơn khủng hoảng tài chính vào giữa năm 1997.

Vậy mà họ đã làm được. Và chính cựu tổng thống Fidel Ramos vào năm 1996 đã ký sắc lệnh đặc biệt cho phép những thuyền nhân Việt Nam được tạm thời ở lại Philippines cho đến khi tìm được ‘một giải pháp lâu dài nhân đạo khác’.

Hôm đến dự buổi ra mắt quyển sách mới nhất của ông (có tên là ‘Towards Our Better Future’ – Để Đi Đến Một Tương Lai Tốt Hơn), tôi đã có dịp gặp ông và thay mặt những người Việt tỵ nạn, có lời cảm ơn sâu xa gửi đến ông và gia đình. Cũng nhờ ông mà sau này chúng ta đã tạo dựng lại được cuộc sống cho hàng ngàn người Việt tỵ nạn ở Úc, Canada, Mỹ, Na Uy.

Thế nhưng các bạn có biết là ông đã chia xẻ với tôi điều gì không?

Không. Ông không hãnh diện là ông đã ký sắc lệnh cho phép những thuyền nhân Việt Nam được tạm thời ở lại Phi. Họ đáng được đối xử như vậy, ông bảo.

Ông cũng không cho điều ông làm là lớn lao gì cả.

Khi được cho biết tôi là người Việt, ông chỉ bảo thế này: tôi đã từng sang ở nước cậu 2 năm. Trước khi cậu ra đời. Và đó là những năm tháng tôi không thể nào quên được.

Gặp vợ ông, bà cũng nói thế. Bà nhớ lần đầu tiên sang thăm ông lúc ông còn tham chiến ở Việt Nam, ngay ngày đầu tiên, ngay tại một buổi concert ở ngoài trời, ‘the VC’ (Việt Cộng) đã cài mìn cho nổ làm bà phải chạy trối chết. Đó là một kỷ niệm mà bà không thể nào quên được.

Nghe ông bà thuật lại câu chuyện của gần năm mươi năm về trước tôi chợt nghĩ thì ra trên cõi đời này, có những sự liên kết rất lạ kỳ, có những điều vô hình xảy ra mà không một ai có thể đoán biết trước được. Là ngày sau sẽ ra sao.

Cũng có thể nhờ vào sự tham chiến của ông Ramos ở miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1960 mà sau này ông mới có một tình cảm đặc biệt quyến luyến với những người Việt thuyền nhân lánh nạn?

Cũng có thể nhờ ông thấy và biết trước được sự dối trá, ngu dốt và độc tài của các chế độ cộng sản mà sau này ông đã thành công trong việc mang đến sự tự do và công bằng cho xã hội Philippines sau khi tổng thống Marcos bị truất phế.

Và cũng nhờ vậy mà tôi đã có dịp đến nước Phi để ở lại nơi này trong suốt hơn một thập niên qua. Để cuối cùng gặp được một ân nhân của tất cả những người Việt tỵ nạn ở Philippines.

Cầu mong là ông và gia đình sẽ luôn vui, khỏe để có thể tiếp tục đưa đất nước Phi đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Tôi cũng cầu mong là trong một ngày gần đây tất cả mọi người dân Việt Nam cũng sẽ có được những quyền lợi căn bản mà mọi người dân Philippines đã đạt được kể từ khi nền độc tài của chế độ Marcos bị sụp đổ vào năm 1986.

Đó là quyền được nói và viết những điều mình suy nghĩ. Mà không bị bỏ tù.

Quyền được hội họp, thông tin, liên lạc. Mà không bị bắt bớ, hạch hỏi.

Và quyền được đọc, được nghe, được tự do thông tin trên mạng. Mà không phải chạy ngược chạy xuôi cố vượt tường lửa. Của chính những kẻ tự cho mình là đầy tớ của dân.

Sáng nay tôi lên mạng xem được một đoạn phim phóng sự ngắn mà tôi rất thích. Đặc biệt là câu nói mở đầu đoạn phim. Đó là:

Nothing is more powerful than an idea whose time has come.

Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của một ý tưởng đã đến thời của nó.

Thế theo bạn, ý tưởng ấy là gì?

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG