Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang chính thức điều tra vụ thảm sát hôm thứ Tư do một cặp vợ chồng thực hiện tại một văn phòng dịch vụ xã hội ở bang California như một hành động khủng bố.
Trợ lý giám đốc văn phòng FBI ở Los Angeles, David Bowdich, hôm thứ Sáu cho biết một số chứng cứ được tìm thấy cho thấy đây là một hành động khủng bố, bao gồm những dấu hiệu cho biết vụ thảm sát đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Ông Bowdich không đề cập tới chứng cứ cụ thể, nhưng ông cho biết chứng cứ bao gồm những điện thoại di động bị đập nát được tìm thấy trong một thùng rác gần địa điểm xảy ra vụ xả súng. Ông nói rằng có "những kết nối qua điện thoại" giữa hai nghi phạm và những người khác, và rằng những điện thoại có thể hé lộ nhiều thông tin quan trọng.
Ông Bowdich cũng không xác nhận tin tức của giới truyền thông nói rằng người vợ tham gia trong vụ thảm sát, Tashfeen Malik, đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo trong một thông điệp Facebook dường như được đăng lên khi vụ xả súng bắt đầu.
Giám đốc FBI James Comey cho biết không có dấu hiệu cho thấy hai vợ chồng thuộc một ổ khủng bố hoặc mạng lưới khủng bố. Ông cũng nói rằng tập hợp những bằng chứng trong vụ việc này "không hợp lý lắm."
Lời tuyên thệ trên mạng xã hội
Tin cho hay những lời tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã được người thực hiện những vụ giết người hàng loạt khác đăng lên mạng xã hội. Một số người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo đã đăng những thông điệp lên mạng xã hội tiếng Ả-rập ca ngợi vụ thảm sát và chúc mừng những kẻ sát nhân. Một số người hứa sẽ có thêm những vụ tấn công ở Mỹ.
Ông Bowdich nói lúc này hiện chưa rõ có ai đó ở Mỹ hay ở nước ngoài có dính líu hay không. Ông cũng nói rằng một vụ tấn công thứ hai có thể đang trong giai đoạn hoạch định nhưng ông nhấn mạnh đây vẫn còn là một cuộc điều tra rất dài và phức tạp.
Hôm thứ Sáu, những toán nhà báo đã được người chủ tòa nhà dẫn vào xem căn hộ của cặp vợ chồng tay súng. Các phóng viên nhìn ngó trong những tủ quần áo và lật xem những giấy tờ tài liệu.
Malik và chồng cô ta, Syed Rizwan Farook, giết chết 14 người và làm bị thương 21 người tại một buổi liên hoan cuối năm được tổ chức vào ngày thứ Tư tại một cơ quan giúp người khuyết tật trong quá trình phát triển ở thành phố San Bernardino, bang California, nằm cách thành phố Los Angeles khoảng một tiếng lái xe về hướng đông .
Nhân chứng nói Farook có mặt tại buổi tiệc, rời đi, rồi sau đó quay trở lại với người vợ. Cả hai người đều trang bị súng trường và súng ngắn và mặc quần áo kiểu quân sự. Họ để lại một quả bom ống không phát nổ trước khi đào tẩu trong một chiếc xe SUV màu đen.
Cảnh sát phát hiện chiếc xe trong một khu dân cư gần đó và cặp vợ chồng này bị hạ sát trong một cuộc đọ súng. Hai sĩ quan cảnh sát bị thương nhưng không nghiêm trọng.
Cảnh sát sau đó phát hiện bom 12 quả bom ống, vật liệu chế tạo bom, và hàng ngàn viên đạn trong căn hộ của hai người.
Bạn bè bối rối
Bạn bè, gia đình và những người đồng nghiệp nói rằng họ không hề biết chuyện gì đã khiến cặp vợ chồng thực hiện vụ thảm sát. Cả hai người đều không có tiền án hình sự và không nằm trong bất kỳ danh sách theo dõi nào của chính phủ.
Farook, sinh ra ở thành phố Chicago, là thanh tra y tế của chính quyền địa phương ở San Bernardino. Bạn bè nói anh ta là người sùng đạo Hồi, nhưng hòa nhã, có tư tưởng tự do, và được nhiều người quý mến.
Anh ta quen người vợ gốc Pakistan qua một website hẹn hò trên mạng và hai người gặp nhau ở Ả-rập Saudi rồi kết hôn. Cô ta đến Mỹ theo diện visa hôn thê. Hai vợ chồng này có một đứa con sáu tháng tuổi. Một số bạn bè của Farook nói rằng anh ta đã thay đổi khi trở về từ Ả-rập Saudi.
Vụ thảm sát làm choáng váng cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ. Những nhà lãnh đạo cộng đồng nói rằng họ cũng đau khổ và kinh hãi như mọi người khác.
Vụ thảm sát hôm thứ Tư là vụ đẫm máu nhất ở Mỹ kể từ khi một người đàn ông mắc bệnh tâm thần bắn chết 26 em nhỏ và giáo viên tại một trường tiểu học ở bang Connecticut vào năm 2012. Đây cũng là lần thứ 353 trong năm nay bốn người hoặc nhiều hơn bị bắn chết trong một vụ nổ súng duy nhất, và chắc chắn càng thổi bùng lên tranh luận về kiểm soát súng.