Kế hoạch kết nghĩa với một thành phố ở Việt Nam của Thị trưởng một trong những thành phố danh tiếng của Mỹ đang khiến nhiều cựu chiến binh tức giận.
Các giới chức thị trấn Sóc Trăng đã đề nghị kết nghĩa với thành phố Fayetteville thuộc bang North Carolina của Hoa Kỳ và vị thị trưởng thành phố, ông Tony Chavonne, cũng ủng hộ ý tưởng này và cho rằng điều này sẽ giúp hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai bên.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, khu vực Fort Bragg đã huấn luyện khoảng 2000.000 binh sĩ cho cuộc chiến và thành phố Fayetteville thậm chí đã được gọi là “Fayettenam” khi các cuộc biểu tình phản chiến nổ ra.
Hôm 31/3, một bản tin đăng trên trang WRAL.com trích lời ông Chavonne nói rằng ông không nghĩ rằng có bất cứ thành phố nào ở Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với Việt Nam và giai đoạn lịch sử đó cũng như cuộc chiến tranh đó như thành phố Fayetteville.
Ông Chavonne đã sống ở thành phố Fayetteville trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam và gia đình ông cũng có thành viên phục vụ trong quân đội. Ông nói rằng cả hai thành phố giờ đã thay đổi, và đất nước Việt Nam cũng đã thay đổi.
Trong khi một bản tin khác trên trang fayobserver.com cũng trích lời ông Chavonne nói rằng ý tưởng kết nghĩa giữa hai thành phố là để hàn gắn, không chỉ cho các cựu chiến binh mà còn cho cả thành phố đã bị đặt một bí danh xấu. Ông nói rằng ý tưởng này là về người dân chứ không mang tính chính trị.
Tuy nhiên, nhiều cựu chiến binh đang sống ở khu vực này lại không đồng tình với ý tưởng này vì họ không muốn thành phố của họ gắn liền với một nước cộng sản và nhiều người trong số họ không muốn khơi lại một thời kỳ mà vẫn còn để lại trong họ nhiều nỗi cay đắng.
Hãng thông tấn AP trích lời ông Don Talbot, một cựu chiến binh Việt Nam nói rằng thị trưởng đã đề xuất ý tưởng này với ông trong một buổi gặp mặt để ăn sáng cách nay một năm và ông Talbot đã nói với thị trưởng rằng ông không thích ý tưởng đó.
Ông Talbot nói rằng “đó là một nước cộng sản, tại sao ông lại quay trở lại 40 năm trước và nói lời ‘cảm ơn’ với một dĩ vãng đã qua vào giữa lúc một cuộc chiến hiện tại đang diễn ra?” Ông Talbot nói “đó là một thời kỳ đã được quên lãng và giờ đây ông ấy lại muốn mang nó lại để hàn gắn cho chúng tôi”.
Fayobserver.com thì trích lời một cựu binh khác, ông Glen Borg nói rằng “họ đã chọn lựa một nước cộng sản và điều đó là chúng tôi thất vọng” và nói thêm rằng “hầu hết chúng tôi đều phản đối mạnh mẽ kế hoạch này”.
Một số vị cựu chiến binh cũng đã gửi thư cho ông Chavonne để nói rằng họ không hài lòng về kế hoạch này, thậm chí ông Don Talbot còn ví điều này giống như là “sát muối vào vết thương cũ”.
Mặc dù vậy không phải cựu chiến binh nào cũng phản đối kế hoạch này. Ông Donald N. Boyd, là một cựu chiến binh từng đóng quân ở Sóc Trăng từ năm 1968 đến tháng Giêng năm 1969.
Ông vẫn còn nhớ mọi người đã đối xử tệ với ông như thế nào cũng những cuộc điện thoại phiền toái mà vợ ông đã nhận được, và tất cả mọi điều đó vẫn còn làm ông tức giận. Tuy nhiên, ông ủng hộ ý tưởng kết nghĩa Fayetteville và Sóc Trăng.
Ông nói rằng tất cả mọi ký ức buồn của ông về Việt Nam đều liên quan đến người Mỹ và vì vậy nếu người Việt Nam muốn bỏ lại quá khứ sau lưng thì ông không không thấy có lý do gì để người Mỹ không làm như vậy.
Còn ông Chavonne nói rằng ông biết là không phải ai cũng ủng hộ ý tưởng này, nhưng bây giờ không phải là lúc để biểu quyết mà là lúc để đối thoại.
Theo ông việc Việt Nam là một nước cộng sản không nên khiến cho cuộc đối thoại chấm dứt. Ông nói rằng không phải nước cộng sản nào cũng bị Hoa Kỳ cô lập và thù ghét. Ông lấy ví dụ về Trung Quốc và nói rằng Trung Quốc là môt đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ và họ cũng là một nước cộng sản.
Ông Chavonne nói thêm rằng “hơn bao giờ hết, thế giới bây giờ là một thế giới rộng mở” và ông cho rằng nếu kế hoạch này thành công và mọi người sẵn sàng để hàn gắn thì ông bảo đảm rằng năm sau tại Fayetteville một cực chiến binh Việt Nam sẽ nhận được sự chào đón mà họ chưa từng nhận được bao giờ.
Nguồn: AP, WRAL.com, Fayobserver.com
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1