Đường dẫn truy cập

Kỳ vọng ‘sẽ ký kết EVFTA trước cuối tháng 6’?


Điều gì đã khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam tự tin và hy vọng đến thế vào EVFTA?
Điều gì đã khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam tự tin và hy vọng đến thế vào EVFTA?

Vào gần cuối tháng 4 năm 2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có một phát ngôn ‘lạ’ liên quan đến số phận phải có qua có lại của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam).

‘Trước cuối tháng Sáu’?

“Hai bên đã đồng ý nỗ lực chung để EVFTA được ký kết trước cuối tháng Sáu và được phê chuẩn càng sớm càng tốt” - hãng tin Reuters dẫn từ một thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/4.

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu ra một nhận định về EVFTA không còn thiên về cảm tính theo cách ‘quyết tâm sẽ ký’ suốt trong vài năm qua nhưng chẳng năm nào ký được, mà dự liệu một khoảng thời gian cụ thể ‘trước cuối tháng Sáu năm 2019’.

Dự liệu mang tính kỳ vọng đặc biệt trên là khác hẳn những phát ngôn và thông báo cũng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về ‘tương lai phục hồi quan hệ Việt - Đức’, sau khi quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt đã bị Berlin thẳng tay tạm đình chỉ do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Điều gì đã khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam tự tin và hy vọng đến thế vào EVFTA - bản hiệp định mà chỉ mới vào tháng 2 năm 2019 đã bị Hội đồng châu Âu thẳng tay thông báo đình hoãn vô thời hạn, với nguồn cơn thực chất phía sau đó là vô số vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam mà cho tới lúc đó, và cả cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào được cải thiện?

Phải chăng hai chuyến đi châu Âu liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4 năm 2019 của hai ủy viên bộ chính trị là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - đi Pháp và Bỉ, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đi Czech và Romania, đã đạt được ‘kết quả khả quan’?

Phải chăng Ngân và đặc biệt là Phúc đã nhận được tín hiệu ‘cho qua cầu’ từ EU, khi Romania là quốc gia đang là chủ tịch luân phiên của EU và được giới chóp bu Việt Nam đặc biệt mơn trớn để ‘ủng hộ ký kết và phê chuẩn EVFTA’?

Thậm chí, kỳ vọng ‘trước cuối tháng Sáu’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam còn sớm sủa hơn cả “EVFTA có thể sẽ được ký kết và phê chuẩn vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2019” - một tín hiệu về EVFTA sau cuộc gặp của Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Bernd Lange của Ủy ban Thương mại Quốc tế - một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trong không kém Hội đồng châu Âu.

Phải chăng sau khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn cùng tương lai cực kỳ bế tắc, Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta đã phải tìm ra lối thoát, để một lần nữa trong rất nhiều lần, Hà Nội lại hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’, dù đã chẳng có bất kỳ lần nào trước đó lời cam kết này được biến thành hành động, thậm chí giới công an trị Việt Nam còn hành động ngược lại khi gia tăng bắt bớ giới bất đồng chính kiến trong giai đoạn gần nhất từ giữa năm 2016 đến nay?

Vẫn đàn áp và bắt bớ dữ dội

Ngay vào lúc này - khoảng thời gian đang tiếp tục diễn ra những cuộc đàm phán khẩn trương giữa Hà Nội và Brusseles - thủ đô Bỉ, nơi đặt trụ sở của EU - về EVFTA, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.

Sát ngày 3 tháng Tư năm 2019 kỷ niệm ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’, công an Việt Nam lại bắt bớ hàng loạt người dân và quy cho họ ‘âm mưu lật đổ chính quyền’. Chưa kể nhiều người bất đồng chính kiến đã bị công an bắt cóc từ ngày quốc kháng 2/9 năm 2018 mà cho tới nay vẫn chưa được trả tự do…

Cũng sát ngày 30/4 năm 2019, Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành ủy TP.HCM - đã công khai ‘hứa với Bộ Chính trị sẽ không để xảy ra biểu tình tại TP.HCM’ - một loại cam kết mà cho thấy não trạng và hành xử của đảng cầm quyền trước sau như một vẫn chỉ là tiếp tục ém nhẹm quyền biểu tình của người dân - đã được hiến định trong hiến pháp 1992, và câu giờ càng lâu càng tốt việc ban hành Luật Biểu tình - cũng là một trong những đòi hỏi về pháp luật nhân quyền của Nghị viện châu Âu trong bản nghị quyết nhân quyền được cơ quan này nêu ra vào giữa tháng 11 năm 2018.

Vậy liệu những hứa hẹn của Việt Nam như sẽ ký kết 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, sửa đổi Bộ luật Lao động, kể cả ban hành Luật về Hội và trả tự do trước thời hạn cho một số tù nhân lương tâm như một thủ đoạn ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’ nhẵn mặt trơ tráo trong nhiều năm qua, có trở thành sự thật? Hoặc cho dù có thành sự thật thì liệu bao nhiêu phần trăm sự thật ấy có tính thực chất mà không chỉ làm màu theo thói đầu môi chót lưỡi đã thành cố tật của chính thể độc trị?

Có ‘cải thiện nhân quyền’ trước tháng Sáu?

Hãy coi chừng, những chuyến đi châu Âu của Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc vẫn rất có thể chỉ nhằm phát đi những lời hứa cuội về nhân quyền.

Và hãy đừng bao giờ quên một sự thật sống sượng rằng quan điểm ‘vào trước, bắt sau’ của Hà Nội là rất nhất quán kể từ thời WTO: vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã tạm ngưng bắt bớ giới hoạt động dân chủ nhân quyền để đổi lấy điều kiện được Mỹ chấp nhận cho tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới và còn được nhấc khỏi CPC (Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo) của Mỹ. Nhưng khi đã ung dung trong trong WTO và hưởng lợi lớn từ nhiều ưu đãi của tổ chức này, Việt Nam lại bắt trở lại, và bắt ồ ạt, hung hãn và đầy sắc máu đối với nhiều người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.

Chỉ còn rơi rớt một chút hy vọng cho những gì được xem là ‘thành tâm cải thiện nhân quyền’ của chính thể Việt Nam: hãy chờ xem ứng với kỳ vọng ‘EVFTA sẽ ký trước cuối tháng Sáu năm 2019’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, liệu từ đây đến cuối tháng Sáu đó có hiện ra bất kỳ hành động nào về cải thiện nhân quyền hay là không.

Ngay trước mắt là một phép thử lớn: Hội nghị trung ương 10 của đảng cầm quyền vào khoảng giữa tháng 5 năm 2019 và kỳ họp quốc hội ngay sau đó liệu có diễn ra động thái nào của đảng về thông qua và ban hành các văn bản luật liên quan đến dân chủ và nhân quyền, nhưng phải là những văn bản luật mang tính thực chất chứ không phải theo kiểu dự thảo Bộ Luật Lao động mà Bộ lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố như một cách dối trá không chịu thừa nhận vai trò của Công đoàn độc lập và chỉ để đối phó với những đòi hỏi của EU?

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG