Các nhà lãnh đạo Hy Lạp, Pháp và Đức đang tổ chức một hội nghị bằng điện thoại hôm thứ Tư để thảo luận làm thế nào để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.
Hy Lạp, nước nợ nần nhiều nhất là nước đầu tiên trong Liên hiệp châu Âu nhận được tiền cứu nguy của quốc tế, một phần bằng sự tài trợ của những nền kinh tế mạnh của châu Âu như Đức và Pháp.
Hiện nay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Markel đang tìm cách giúp Hy Lạp tránh khỏi cảnh không trả nổi nợ, và đang thúc đẩy Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tiến lên trong kế hoạch cắt giảm thâm thủng ngân sách và áp dụng các biện pháp khắc khổ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tách lo ngại là trợ giúp quốc tế, phối hợp với những biện pháp khắc khổ của Hy Lạp, sẽ không đủ để kéo chính phủ Athens ra khỏi cơn khủng hoảng và tránh tình trạng không trả nổi nợ.
Hậu quả là hai ngân hàng Pháp Societe Generale và Credit Agricole, chủ một số lớn các khoản nợ của Hy Lạp đã bị Cơ quan đánh giá mức tín nhiệm tài chính quốc tế Moody đánh sụt điểm tín nhiệm hôm thứ Tư.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo tại Washington là kinh tế toàn cầu đang bước vào một khu vực nguy hiểm mới vì khủng hoảng nợ tại châu Âu.
Ông Zoellick mạnh mẽ chỉ trích những sai lầm của 17 quốc gia khu vực đồng euro về việc sử dụng đồng tiền chung trong khi cho phép mỗi một quốc gia tự ấn định chính sách chi tiêu và thuế khóa riêng.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner lên tiếng tại một hội nghị của các nhà đầu tư tại New York hôm thứ Tư rằng ông tin tưởng là bà Merkel cũng các lãnh đạo khác của châu Âu sẽ làm những gì cần thiết để bảo đảm là những định chế tài chính lớn của họ không bị nguy cơ sụp đổ.
Ông Geithner sẽ họp với các bộ trưởng Tài chính châu Âu vào thứ Sáu.
Ngoài Hy Lạp, Italia, nước có nền kinh tế lớn hàng thứ ba trong khối đồng euro, cũng gặp khó khăn. Hôm thứ Tư, chính phủ nước này đã được quốc hội chấp thuận cho tiến hành chương trình khắc khổ đề ra để giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính.