Thả bộ dọc theo những con đường chính của thủ đô Hy Lạp hay Tây Ban Nha, có nhiều phần chắc quý vị sẽ nhìn thấy những người biểu tình – những thanh niên tụ tập trên các đường phố, phản đối tình trạng thất nghiệp cao và cách thức chính phủ xử lý vụ khủng hoảng kinh tế.
Anh David Gomez là một trong số những người bị mất việc ở Madrid.
Anh Gomez cho biết: “Trong tình thế này, thật khó mà tìm ra một việc làm, bởi vì không có nhiều cơ hội, và lương hướng đề nghị thì không được là bao.”
Anh Gomez nói anh cảm thấy như mình đã nhập vào một phong trào xuyên suốt châu Âu. Anh chưa hề đến Hy Lạp, nhưng gọi những người biểu tình ở đó là “anh em.” Anh nói nếu họ đoàn kết lại, thì các chính trị gia không thể dễ dàng làm ngơ đối với họ. Điều đó rất đúng ở Tây Ban Nha, với cuộc tổng tuyển cử dự trù diễn ra vào đầu năm tới.
Anh Gomez nói: “Họ không thể làm lơ đối với chúng tôi, bởi vì phong trào vẫn còn tiếp diễn.”
Trong khi các cuộc biểu tình phản đối ở Athens và Madrid trông rất giống nhau, các chính trị gia Tây Ban Nha luôn nêu ra những điểm bất đồng. Hy Lạp, cùng với Ireland và Bồ Đào Nha, đang nhận tiền của Liên hiệp châu Âu để giữ cho nền kinh tế của họ khỏi bị nhận chìm. Song Tây Ban Nha thì không muốn phải làm như thế.
Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha, bà Elena Salgado, nói các thị trường tài chính biết rõ sự khác biệt giữa một nền kinh tế lành mạnh và một nền kinh tế èo uột.
Bà Salgado nói bà tin rằng các thị trường có thể “phân biệt một cách hoàn hảo” sự khác biệt giữa Hy Lạp và Tây Ban Nha. Bà nói chính phủ của bà đang thực thi những biện pháp cải cách mà Tây Ban Nha cần đến, và châu Âu nói chung không có gì phải lo ngại về những gì liên quan đến Tây Ban Nha.
Nhưng những người như anh Gomez, đã thất nghiệp từ 2 năm nay, tự cho mình là bằng chứng là Tây Ban Nha sẽ là nền kinh tế sụp đổ tiếp theo.
Anh Gomez nói tiếp: “Chúng tôi không phải là nước đầu tiên có những vấn đề quan trọng rất lớn, nhưng họ cho rằng chúng tôi có thể là nước tiếp theo lâm vào tình trạng đó. Có thể họ lấy làm lo ngại về sự kiện ấy.”
Trong tình thế nam bộ châu Âu đang mấp mé bên bờ vực phá sản, sự căm hận đã bùng ra giữa miền bắc và miền nam châu lục này.
Chẳng hạn, một số người Đức không thích khái niệm cứu nguy cho các nền kinh tế miền nam thường bị coi là tham nhũng hơn và kém hiệu năng hơn. Mặt khác, một số người Hy Lạp căm hận các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắt khe kèm theo với tiền cứu viện.
Tuần này, các bộ trưởng tài chính EU đã hoãn lại một quyết định giao cho Hy Lạp một khoản tiền cho vay cấp thiết khác, cho đến khi nào nước này thực thi thêm các biện pháp tiết kiệm.
Các quyết định như thế châm ngòi thêm cho sự phẫn nộ – và thậm chí cả một số giả thuyết về âm mưu. Người biểu tình ở Tây Ban Nha Ruben Hernandez mô tả mẫu mực mà anh nghĩ là người Bắc Âu thường nghĩ về những người biểu tình ở Tây Ban Nha hay Hy Lạp.
Anh Hernanez cho biết: “Họ chiếu một số tin tức nói rằng chúng tôi rất tàn bạo, và là những người không có học, chỉ đến đây để nhậu nhẹt, hút thuốc. Tôi nghĩ đó không phải là sự thực. Chúng tôi có học hành, rất nhiều bạn bè của tôi có nghề nghiệp. Chúng tôi đến đây để biểu tình và tìm cách thay đổi xã hội.”
Nhưng anh Hernandez cũng nói anh thèm muốn nền kinh tế của Đức, và sẽ nhận làm việc ở đó trong chớp mắt.
Anh Hernanez nói: “Họ kiếm được nhiều tiền hơn so với ở đây, họ được nghỉ lễ và có những quyền lợi tốt hơn mà ở Tây Ban Nha chúng tôi không có. Kể từ khi chúng tôi gia nhập khối sử dụng đồng euro, mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, mà đồng lương thì vẫn không tăng.”
Bà Vanessa Rossi là một chuyên gia về kinh tế Aâu châu tại tổ chức Chatham House ở London. Bà nói một số những tranh cãi giữa bắc và nam châu Âu có thể không đặt đúng chỗ.
Bà Rossi nói: “Nó cũng có thể so với loại công tác từ thiện mà sinh ra làm ơn nên oán. Một số vấn đề đã xảy ra trong khu vực sử dụng đồng euro không được giải thích rõ ràng cho công chúng. Tại Hy Lạp, việc giải thích những gì sẽ xảy diễn nếu họ không thỏa mãn các điều kiện của kế hoạch cứu nguy. Nếu họ nghĩ là có một phương án dễ dàng, để quỵt nợ hay tách ra khỏi khu vực euro – thì đây không phải là những phương án dễ dàng đem lại những bất ngờ mau chóng và tốt đẹp cho nền kinh tế của họ.”
Trong thời buổi kinh tế khó khăn như thế, thì điều quan trọng phải nhớ là: Cả Tây Ban Nha lẫn Hy Lạp đều không phải là nước nghèo nhất châu Âu. Những nơi như Romania còn nghèo hơn Nhưng bà Rossi nói tình trạng bất ổn xã hội lan tràn khắp nam bộ châu Aâu nay có liên quan nhiều hơn đến sự chia rẽ bắc nam ở châu lục này, sự can thiệp của Brussels, tình trạng thất nghiệp và cung cách mọi người nhận định về sự chính đáng của chính phủ nước họ.
Bà Rossi nói tiếp: “Dân chúng cảm thấy xa rời Brussels. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là, trong trường hợp Hy Lạp, dân chúng dường như thấy xa rời ngay cả thể chế chính trị của nước họ, và Brussels không giải quyết được điều đó. Không phải là một vấn đề của Brussels, mà là vấn đề của mỗi quốc gia.”
Bà Rossi đưa ra một con số thống kê thật khủng khiếp.
Bà Rossi nhận xét: “Số người thất nghiệp ở Tây Ban Nha gần bằng tổng số lực lượng lao động của Hy Lạp.”
Có nghĩa là trên 4 triệu rưởi người. Do đó, tuy Hy Lạp đang chật vật hoàn thành những lời hứa tiết kiệm, Tây Ban Nha phải mang gánh nặng thất nghiệp hơn 21%. Và bắc bộ châu Âu rơi vào tình thế phải tính cách làm thế nào giữ được cho tính hài hòa của châu lục này không bị sứt mẻ.
Bất ổn xã hội đang lan tràn khắp nam bộ châu Âu, với những người biểu tình xuống đường ở Tây Ban Nha và Hy Lạp, phẫn nộ về tỷ lệ thất nghiệp cao, trợ cấp an sinh xã hội bị cắt giảm và cách thức các chính phủ xử lý vụ khủng hoảng kinh tế. Trong tình hình các cuộc biểu tình không có dấu hiệu nào sắp chấm dứt, người dân châu Âu nêu thắc mắc phong trào sẽ tác động lâu dài như thế nào đối với tính hài hòa xã hội, chính trị và kinh tế của châu lục này. Từ Madrid, thông tín viên VOA Lauren Frayer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.