Liên hiệp châu Âu sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga, các ngoại trưởng của khối cho biết hôm thứ Sáu 4/3 khi họ họp ở Brussels, nhưng họ không ủng hộ lời kêu gọi của Kyiv về hành động quân sự có nguy cơ kéo liên minh quân sự NATO vào cuộc chiến.
Người giữ chức vụ tương đương như ngoại trưởng của khối, Josep Borrell, nói rằng tất cả các phương án hiện vẫn đang được bàn thảo, liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì họ xâm lược nước láng giềng Ukraine.
"Chúng tôi sẽ xem xét mọi thứ", ông Borrell nói với các phóng viên khi được hỏi liệu EU có thể ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga không.
Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney cho biết vòng trừng phạt thứ tư có thể ảnh hưởng đến nhiều ngân hàng nữa của Nga trong việc họ tiếp cận với hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT, cũng như cấm các tàu Nga đến các cảng châu Âu và cắt giảm nhập khẩu từ Nga.
Ông nói: “Tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi sẽ cấm các mặt hàng nhập khẩu khác như thép, gỗ, nhôm và có thể cả than nữa”.
Tuy nhiên, ngay lúc này vẫn chưa rõ khi nào 27 quốc gia EU có thể nhất trí về các biện pháp cụ thể.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi khối các đồng minh phương Tây thực thi vùng cấm bay kể từ khi cuộc xâm lược của Moscow nổ ra cách đây 9 ngày.
Các cường quốc phương Tây đã trừng phạt Nga, bao gồm các hạn chế đối với hoạt động của ngân hàng trung ương và thu giữ tài sản từ các nhà tài phiệt tỷ phú.
Các thành viên NATO đã chuyển vũ khí đến Ukraine, nhưng không có các hành động quân sự có thể khiến họ rơi vào xung đột trực tiếp với Nga là nước có vũ khí hạt nhân.
Hôm 4/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khẳng định liên minh NATO sẽ bảo vệ "từng centimet" lãnh thổ của khối trước bất kỳ cuộc tấn công nào. Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và từng lệ thuộc vào Moscow, muốn gia nhập Liên hiệp châu Âu và khối liên minh quân sự phương Tây, tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, Ukraine không phải là thành viên của cả hai khối.
"Chúng tôi là một liên minh phòng thủ. Chúng tôi không muốn có xung đột. Nhưng nếu xung đột xảy ra với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng đối phó", ông Blinken nói.
Trong khi một số quốc gia NATO tỏ ý sẵn sàng thảo luận về vùng cấm bay, họ cũng đã nêu rõ là họ thận trọng về vấn đề này.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho rằng NATO phải tránh gây ra một cuộc xung đột lớn hơn. Văn phòng tổng thống Pháp mô tả yêu cầu về vùng cấm bay là "rất khó đáp ứng được".
Hôm 3/3, Tổng thống Ukraine Zelenskiy nói rằng nếu khối các đồng minh không đáp ứng đề nghị của ông về việc bảo vệ bầu trời Ukraine, thay vào đó, họ cần cung cấp cho Kyiv thêm nhiều máy bay chiến đấu.
(Reuters)