Đức, Ba Lan và Thụy Điển trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga trong một vụ trả đũa phối hợp vào ngày 8/2 về vụ Nga trục xuất 3 nhà ngoại giao EU trong khi người đứng đầu chính sách ngoại giao EU đang viếng thăm Moscow tuần trước.
Vụ việc cho thấy mối quan hệ mong manh giữa Đông-Tây và sự xói mòn lòng tin giữa các cựu thù Chiến tranh Lạnh trong lúc Tây phương cáo buộc Moscow tìm cách gây bất ổn và Điện Kremlin kháng cự điều mà họ cho là sự can thiệp của nước ngoài.
Lãnh đạo EU bênh vực ông Josep Borrell về chuyến công du Nga. Trong chuyến thăm này, ông Borrell nói ông biết tin về vụ trục xuất qua truyền thông xã hội khi gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow vào ngày 6/2.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, ngày 8/2 nói việc trục xuất các nhà ngoại giao Đức, Ba Lan và Thụy Điển xảy ra một ngày trước chuyến đi của ông Borrell. Ba nhà ngoại giao này bị Moscow cáo buộc là tham gia những cuộc biểu tình hồi tháng trước chống lại việc Moscow bỏ tù nhà bất đồng chính kiến Nga Alexei Navalny.
Đức nói nhà ngoại giao của họ bị Nga trục xuất chỉ “thi hành nhiệm vụ tường trình những diễn tiến tại chỗ một cách hợp pháp”. Thụy Điển cùng quan điểm với Đức và mô tả hành động của Nga là “không chấp nhận được”.
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho hay đã ra lệnh cho một thành viên của tòa lãnh sự Nga ở thành phố Poznan phải rời khỏi nước này “phù hợp với nguyên tắc hỗ tương, phối hợp với Đức và Thụy Điển.”
Bất chấp lời kêu gọi
Trong một bài blog được công bố ngày 7/2, ông Borrell nói yêu cầu của ông đòi Nga ngưng các vụ trục xuất bị phớt lờ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, Riho Terras, hiện là một nhà lập pháp EU, đã bắt đầu một chiến dịch kêu gọi ông Borrell từ chức.
Tuy nhiên, Ủy ban Châu Châu nói họ không hối tiếc về việc ông Borrell viếng thăm Moscow lần đầu tiên trong tư cách điều phối viên chính sách ngoại giao của EU vì Nga đang trên đường tiến về phía đối đầu.
“Chuyến đi là cần thiết. Người ta không từ bỏ một chuyến đi vì nó có vẻ khó khăn,” phát ngôn viên của Ủy ban, Eric Mamer, nói.
Một số nước EU hiện đang tăng cường thúc đẩy những chế tài mới của phương Tây chống lại Moscow, hai nhà ngoại giao cho Reuters biết.
Ba Lan tổ chức hai giờ họp trực tuyến với các nước EU ngày 8/2 với sự tham dự của đặc sứ Anh, Mỹ, Canada và Ukraine cùng hai đồng minh của ông Navalny là Vladimir Ashurkov và Leonid Volkov, để thảo luận về chính sách đối với Nga kể cả chế tài.
‘Cắt đứt”quan hệ Đông-Tây
Trong chuyến đi thăm của ông Borrell, ông và ông Lavrov đã họp báo trong đó Ngoại trưởng Nga mô tả EU là “đối tác không đáng tin” và ông Borrell ca ngợi vaccine chống COVID của Nga.
Ông Borrell đến Mocow để yêu cầu trả tự do cho ông Navalny và nỗ lực tái thiết lập các quan hệ EU-Nga.
“Nga tích cực cắt đứt quan hệ với phương Tây và xem những giá trị dân chủ hiện hữu như là mối đe dọa đang tồn tại,” ông Borrell viết trên blog. “Việc này sẽ do các nước thành viên quyết định những bước kế tiếp trong đó có thể có chế tài.”
Các ngoại trưởng EU sẽ thảo luận về Nga vào ngày 22/2.
Nga đã bị phương Tây chế tài kinh tế từ khi sáp nhập Crimea của Ukraine vào năm 2014 nhưng cũng là nước cung cấp năng lượng chính và cũng giúp phương Tây trong những lãnh vực như duy trì thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran.