Ủy hội Châu Âu hôm thứ Tư đã đệ trình chờ phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, là thỏa thuận thị trường mở toàn diện đầu tiên của khối này với một nước Châu Á đang phát triển.
Hiệp định thương mại và đầu tư EU-Việt Nam sẽ cần sự chấp thuận của 28 thành viên EU và của Nghị viện Châu Âu. Một số nước thành viên đã bày tỏ lo ngại về thành tích nhân quyền của Việt Nam.
Các bên đã nhất trí về một thỏa thuận liên quan để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, bao gồm các cam kết, đối thoại và các chế tài khả dĩ. Trưởng đặc trách thương mại EU Cecilia Malmstrom nói không ai phủ nhận có những vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
“Chúng tôi đang bàn về chuyện này một công khai với những người tương nhiệm của phía Việt Nam và thỏa thuận thương mại sẽ không làm cho Việt Nam bỗng chốc trở thành một nền dân chủ. Nó là một công cụ trong hộp công cụ mà chúng tôi có trong quan hệ với Việt Nam và các nước khác,” bà nói trong một cuộc họp báo.
Liên minh Châu Âu sẽ kí một thỏa thuận thương mại vào ngày thứ Sáu với Singapore, một thành viên khác của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và đang đàm phán với Indonesia.
Hiện chưa rõ liệu Nghị viện Châu Âu, dự kiến sẽ tranh luận và biểu quyết về thỏa thuận với Singapore cũng như thỏa thuận thương mại tự do EU-Nhật Bản, sẽ có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận với Việt Nam trước cuộc bầu cử EU vào tháng 5 hay không.
Thỏa thuận thương mại sẽ loại bỏ 99 phần trăm tất cả các mức thuế quan, mặc dù một số mức thuế được sẽ được duy trì trong một khoảng thời gian và một số sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sẽ bị giới hạn bởi hạn ngạch.